Xã Tích Giang được đặt tên theo dòng sông Tích chảy qua xã. Nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp với 350 ha đất sản xuất ở hai khu vực trong và ngoài đê sông Tích. Từ năm 1990, người dân Tích Giang đã bắt đầu tìm hiểu về nghề trồng hoa, cây cảnh rồi trở nên nở rộ vào năm 2005. Năm 2022, nghề hoa cây cảnh ở xã Tích Giang đã chính thức được công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội.
Đến nay, xã có gần 600 hộ theo nghề này với diện tích cây trồng 94,9ha. Làng nghề cũng đã được huyện phê duyệt đề án phát triển gắn với du lịch sinh thái trên diện tích 140 ha.
Ngoài lợi thế là làng nghề trồng hoa cây cảnh có tiếng của Hà Nội, Tích Giang còn thu hút du khách với nhiều di tích lịch sử. Hiện Tích Giang hiện có 6 di tích đã được xếp hạng bao gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt là đình Tường Phiêu (còn gọi là Đình Cả); 3 di tích quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Xã hiện còn duy trì nhiều lễ hội làng đậm bản sắc văn hoá địa phương như: Lễ hội đình Tường Phiêu, lễ hội làng Cung Sơn (trai tráng trong làng cởi trần bắt cá)…
Thời điểm này, làng hoa tại xã Tích Giang tất bật chuẩn bị đón Tết âm lịch Ất Tỵ. Ven quốc lộ 32 qua xã, các nhà vườn trưng bày nhiều sản phẩm để du khách ngắm và lựa chọn. Con đường vào xã vừa được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ. Để thu hút khách, các nhà vườn bày nhiều loại hoa chuẩn bị đón Tết như: Dạ yến thảo, cúc, ngọc thảo, hồng, trà… Đi sâu vào xã là những cánh đồng hoa đa sắc màu, những khu nhà kính, nhà lưới hiện đại.
Giới thiệu về tiềm năng du lịch nông thôn tại Tích Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, xã Tích Giang có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, được dòng sông Tích bồi đắp, là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, Tích Giang là điểm đến có thể kết nối với nhiều điểm du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ như: Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn; hoặc có thể liên kết các tuyến, điểm du lịch trên quốc lộ 32 như: làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây (Sơn Tây) – Đan Phượng và các điểm chùa Thầy, chùa Tây Phương (Quốc Oai) và Ba Vì.
Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng cũng lưu ý, du lịch nông thôn phải gắn với điều kiện tự nhiên, văn hoá bản địa, sinh thái cộng đồng. Xã Tích Giang muốn phát triển tốt du lịch nông thôn cần phải tăng cường thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách; các điểm check-in chụp ảnh bằng hoa…
Đóng góp cho việc phát triển du lịch nông thôn tại Tích Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt góp ý, với lợi thế làng hoa lớn của Hà Nội, Tích Giang có thể phát triển những không gian hoa lớn như cánh đồng hoa, suối hoa để du khách đến vui chơi, chụp ảnh. Bên cạnh đó, các nhà vườn có thể triển khai các hoạt động trồng hoa bảo vệ môi trường, sử dụng chai lọ nhựa tái chế thành những bình, chậu trồng hoa. Hoạt động này có thể sẽ thu hút được đối tượng học sinh các trường học đến trải nghiệm trồng cây, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, các đơn vị lữ hành nhận định, Tích Giang hoàn toàn có thể xây dựng sản phẩm du lịch trong ngày, theo mùa, nên tập trung vào thời điểm cuối thu – đầu đông và thời điểm cận Tết Nguyên đán. Chính quyền địa phương nên quan tâm đến vấn đề môi trường, không gian xanh, con đường hoa để thu hút du khách.
Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển Tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phan Huy Cường cho biết, việc xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tại xã Tích Giang nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Thời gian tới, xã Tích Giang cần quan tâm đến việc hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện nội dung thuyết minh, tăng cường liên kết, các tuyến điểm du lịch để Tích Giang trở thành điểm du lịch nông thôn nổi bật của Hà Nội.
Trong ngày 21-12, các đơn vị lữ hành khảo sát sản phẩm du lịch nông thôn tại Tích Giang với các hoạt động: Tham quan đền Hát Môn, đình Tường Phiêu, chùa Ngo, đạp xe quanh làng Tích Giang, thăm nhà vườn, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ve-tich-giang-trai-nghiem-du-lich-nong-thon-688177.html