Đặt ngôi trường này trong tiến trình giáo dục nghệ thuật thị giác thời thuộc địa, khảo cứu qua hệ thống nghị định, báo cáo và tư liệu báo chí là cách các tác giả Phạm Long và Trần Hậu Yên Thế (đồng chủ biên) thực hiện cho cuốn sách “Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật” (NXB Đại học Sư phạm, 2024).
Nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam, đánh dấu những thay đổi lớn về nhiều mặt đời sống xã hội. Giai đoạn này cũng chứng kiến những bước chuyển mình đáng kể của giáo dục nghệ thuật thị giác Việt Nam nói chung, mà sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội đóng vai trò vô cùng quan trọng khi đã “vẽ một tương lai cho giáo dục nghệ thuật xứ Đông Dương”. Có thể nói, lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam gắn liền với hoạt động của Trường Mỹ thuật Đông Dương và vai trò của Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.
Theo các tác giả, dù tồn tại chỉ vỏn vẹn 21 năm (1924 – 1945) song với phương châm “noi theo cái tinh hoa của mỹ thuật Á Đông”, “lấy cái hay của mỹ thuật Tây phương bồi bổ thêm vào”, và “không quên các kỹ nghệ nhỏ”, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã sản sinh nhiều thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc và nhà giáo dục nghệ thuật có đóng góp lớn lao vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, ngay từ trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, rất nhiều hoạt động liên quan tới mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng đã góp phần vào sự cải tiến từng bước đời sống tinh thần và vật chất của Hà Nội nói riêng và xứ Đông Dương nói chung.
Cuốn sách “Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật” được chia thành hai phần. Phần 1 cung cấp những văn bản nghị định, báo cáo về việc giảng dạy mỹ thuật tại Đông Dương và thành lập một trường vẽ Trung ương tại Hà Nội.
Phần 2 là các tư liệu báo chí cùng các bài bình luận về mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam lúc bấy giờ như “Bàn về mỹ thuật An Nam”, “Khu đấu xảo Hà Nội: Khi không gian cho công nghiệp sáng tạo tầm quốc tế được đặt đúng chỗ”, “Về môn học vẽ theo trí nhớ”, “Tranh biếm họa giai đoạn thuộc địa”, “Kiến trúc ánh sáng”, “Nhiếp ảnh mỹ thuật Việt Nam nhìn từ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”, “Tem Đông Dương – những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn trĩu nặng lịch sử”, “Lớp Libre – mô hình học tập kỳ lạ của trường Mỹ thuật Đông Dương…”.
Những bài bình luận này giúp bạn đọc hình dung một cách hệ thống, toàn diện về mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX không chỉ với tư cách là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực đào tạo trong chương trình giáo dục ở thuộc địa với nhân vật chính của cuốn sách là Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng những nhân tố xoay quanh ngôi trường này như Victor Tardieu, Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, Évariste Jonchère…
Theo Thạc sĩ Phạm Minh Quân (giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội), cuốn sách cho độc giả thấy được Trường Mỹ thuật Đông Dương là một hệ sinh thái gieo trồng năng khiếu. Một mô hình “trường vượt ra ngoài nhà trường” và mang sứ mệnh đích đến là tạo ra những nghệ sĩ sáng tạo, hiếu học và hiếu tri như Trường Mỹ thuật Đông Dương vẫn tiếp tục là một tham chiếu lý tưởng dành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành nghệ thuật ở Việt Nam hôm nay.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ve-mot-tuong-lai-cho-giao-duc-nghe-thuat-xu-dong-duong-685599.html