Trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm thuốc y học cổ truyền được quảng cáo quá mức về hiệu quả, mà không có cơ sở thực tế. Không ít người bệnh tin vào những lời quảng cáo này, dẫn đến tiền mất, tật mang.
Nhập viện vì dùng thuốc đông y theo “mách bảo”
Thói quen sử dụng thuốc y học cổ truyền dễ dãi cộng với các bài thuốc được quảng cáo “thổi phồng” công dụng, đang là một thực tế nhức nhối. Vừa qua, Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ, 32 tuổi, bị ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc đông y. Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp: bé T.X.H (6 tuổi, ở Hà Nội) bị thận hư, phù cơ thể, tăng đến 8 kg; bé N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng…, đều do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Cũng về ngộ độc chì, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.H (49 tuổi) bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng lyell) sau khi dùng thuốc đông y theo “mách bảo” để điều trị chứng đau khớp. Trước đó, bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao liên tục, loét, chảy máu vùng miệng, loét bộ phận sinh dục, đỏ da toàn thân, trớt da 80% diện tích cơ thể. Sau khi đánh giá triệu chứng trên lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản, bác sỹ kết luận, bệnh nhân H. bị dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc, kèm theo đái tháo đường loại 2 (chẩn đoán lần đầu).
Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tiếp điều trị các trường hợp suy gan, suy đa tạng do ngộ độc thuốc đông y. Theo bác sỹ Vũ Thị Hương Giang, Khoa Viêm gan (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cùng một bệnh lý về gan, nhưng có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thành phần thuốc và phản ứng của cơ thể. Bác sỹ Giang nhấn mạnh, bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng, nếu muốn điều trị bằng đông y, cần phải đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và điều trị.
Kiểm soát chất lượng thuốc
Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã chặn bắt hàng trăm vụ, với hàng tấn nguyên liệu thuốc đông y do các đối tượng nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ, chủ yếu là hàng không có hóa đơn, chứng từ, không bảo đảm chất lượng sơ chế để làm thuốc đông y.
Trước vấn nạn quảng cáo thuốc đông y tràn lan trên mạng xã hội, “thổi phồng” công dụng khiến nhiều người bị lừa, PGS-TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam kiến nghị, cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động này. Việc quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm ảnh hưởng đến ngành đông y, tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc đông y.
Cũng theo ông Cảnh, thuốc đông y có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh, song các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc đông y. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo thần thánh hóa thuốc đông y. Nếu tin dùng thuốc đông y, phải tìm hiểu cặn kẽ xem cơ sở mà mình định sử dụng sản phẩm có được cấp phép kinh doanh về bài thuốc và bản thân lương y ấy có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế. Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra, cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác.
Nguồn: https://baodautu.vn/van-nan-thoi-phong-cong-dung-cua-thuoc-dong-y-d229888.html