Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia, giảng viên trong lĩnh vực du lịch về vấn đề này.
Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, Chuyên gia cao cấp (Văn phòng Quốc hội):
Du lịch thông minh là tiền đề phát triển du lịch sáng tạo
Thuật ngữ “du lịch thông minh” ra đời dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng công nghệ và truyền thông, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, bảo đảm sự tương tác giữa 3 bên: Nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất.
Du lịch thông minh bao gồm 3 thành phần chính. Điểm đến thông minh: Là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, bảo đảm sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, có thể tiếp cận được với mọi người. Kinh nghiệm thông minh: Là những trải nghiệm du lịch qua trung gian công nghệ và sự tăng cường trao đổi thông tin qua việc cá nhân hóa, nhận thức bối cảnh và theo dõi thời gian thực. Hệ sinh thái kinh doanh thông minh: Là hệ sinh thái kinh doanh tạo ra và hỗ trợ việc trao đổi các nguồn lực du lịch kết hợp với kinh nghiệm du lịch.
Với việc ứng dụng ngày càng sâu rộng công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam. Khác với du lịch truyền thống, du lịch thông minh chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng lại bảo đảm mức chi phí thấp, an toàn và thuận tiện.
Không nằm ngoài xu thế này, du lịch Việt Nam đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Tỉ lệ người dân sử dụng internet và thiết bị thông minh ở Việt Nam rất lớn, đó là tiền đề để phát triển du lịch thông minh và du lịch sáng tạo. Với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam và tiềm năng khách hàng du lịch thông minh ngày càng tăng, việc nghiên cứu phát triển du lịch thông minh nói chung, xây dựng các điểm đến du lịch thông minh nói riêng là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách.
Thạc sĩ Trương Quốc Toàn, Cơ quan hợp tác Vùng Paris tại Việt Nam:
Phát triển du lịch sáng tạo là xu thế tất yếu
Tại Hà Nội, việc phát triển du lịch sáng tạo là một đòi hỏi tất yếu, với mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng có chiều sâu. Hà Nội rất cần những cách làm mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng mức chi tiêu của khách. Cùng với sự phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch sáng tạo đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường du lịch Thủ đô.
Có một thực tế là các sản phẩm du lịch sáng tạo ít nhiều có tính chất “kén khách”. Đó là bởi du lịch sáng tạo có liên quan mật thiết đến du lịch văn hóa mà trong đó, du khách ngày càng có xu hướng chuyển từ hưởng thụ sản phẩm dịch vụ du lịch một cách thụ động sang chủ động. Nhu cầu thực sự của họ không đơn thuần là quan sát, lắng nghe và cảm nhận, mà họ cần được tham gia, hòa mình vào văn hóa bản địa để tìm hiểu và học hỏi. Thứ mà họ tìm kiếm là sự trải nghiệm chủ động, những trải nghiệm chân thực từ cuộc sống nơi họ tới thăm thay vì ngồi xem những chương trình diễn xướng theo hình thức sân khấu hóa.
Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn có được sự tương tác nhiều hơn với người dân bản địa để được tự mình khám phá các giá trị văn hóa và làm giàu vốn sống của mình thay vì chỉ lắng nghe những bài giới thiệu của các hướng dẫn viên hoặc thuyết minh viên tại điểm.
Một trong những yếu tố then chốt hiện nay có thể hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển du lịch sáng tạo chính là công nghệ số hóa. Với hàng loạt giải pháp công nghệ tiên tiến hiện nay, du khách có thể tham gia vào những “chuyến du hành” ngược dòng thời gian để khám phá các giá trị văn hóa có từ hàng ngàn năm trước, thậm chí được “chạm vào” những giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các hình thức diễn đạt bằng ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đặc biệt có khả năng chạm đến cảm xúc của mỗi du khách.
Không gian ảo mang đến cho những người làm du lịch sáng tạo quyền năng vô hạn bởi có thể tái hiện được những khung cảnh, trải nghiệm cho du khách mà không gian thực thể không thể thực hiện được. Đó có thể là một kinh thành Thăng Long với cấu trúc tam trùng thành quách, một miền đất Hà Nội từng là một vịnh biển từ hàng trăm triệu năm trước khi những cư dân đầu tiên đặt chân tới, hay một kỳ thi Hội, thi Đình dưới thời quân chủ.
Thạc sĩ Phan Kim Ngân, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng:
Vai trò của “gen Z” trong đồng sáng tạo các giá trị du lịch
“Gen Z” hay thế hệ Z là thế hệ tiên phong trong việc áp dụng công nghệ và trải nghiệm số vào du lịch. Khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới của “gen Z” không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp du lịch số mà còn tạo ra áp lực buộc các nhà cung cấp dịch vụ du lịch phải liên tục đổi mới. Thông qua việc chia sẻ phản hồi trực tuyến và tương tác với các nền tảng du lịch, “gen Z” trực tiếp tham gia vào quá trình cải tiến và tối ưu hóa các công cụ du lịch số, từ đó nâng cao trải nghiệm cho tất cả du khách.
Thế hệ Z đang định hình lại cách thức quảng bá và truyền tải thông tin du lịch thông qua vai trò như những nhà sáng tạo nội dung và người có ảnh hưởng. Điều đó không chỉ truyền cảm hứng cho những du khách tiềm năng, mà còn cung cấp thông tin quý giá về các điểm đến, góp phần vào quá trình ra quyết định của du khách. Qua đó, “gen Z” đóng vai trò như những đại sứ không chính thức cho các điểm đến, đồng thời tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch địa phương.
“Gen Z” thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến các vấn đề môi trường và xã hội. Họ thường ưu tiên các điểm đến và dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Họ chia sẻ và quảng bá các hoạt động du lịch có trách nhiệm trên mạng xã hội, tạo nên hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ du lịch áp dụng các phương pháp bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Gen Z” cũng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc trải nghiệm văn hóa đích thực và tương tác sâu sắc với cộng đồng địa phương tại các điểm đến. Họ thường tìm kiếm các hoạt động cho phép tham gia trực tiếp vào đời sống văn hóa địa phương như học nấu ăn, tham gia các lễ hội địa phương, học nghề thủ công, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa địa phương. Sự tương tác này tạo ra một quá trình đồng sáng tạo giá trị, trong đó, cả du khách và cộng đồng địa phương đều được hưởng lợi từ việc trao đổi văn hóa và kiến thức.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/vai-tro-cua-cong-nghe-va-the-he-gen-z-trong-du-lich-sang-tao-688946.html