[
Tin mới y tế ngày 17/7: Tỷ lệ tiêm chủng nhiều vắc-xin còn thấp
Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ.
Bao phủ vắc-xin đang thấp
Chỉ vắc-xin phòng lao, vắc-xin sởi và vắc-xin DPT có thành phần bạch hầu đạt tiến độ theo kế hoạch, với tỷ lệ 40%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin “5 trong 1” có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi chỉ đạt 36,8%.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi iêm phòng đúng lịch, đủ liều. |
Tương tự, tỷ lệ tiêm các vắc-xin còn lại như phòng viêm gan B sơ sinh trong 24h đầu, vắc-xin viêm não, vắc-xin sởi – rubella chỉ từ 26% đến 36%. Khoảng trống vắc-xin đã khiến bệnh sởi, bạch hầu quay trở lại và gia tăng từ đầu năm đến nay.
Kế hoạch tiêm chủng mở rộng 2025 của Bộ Y tế gồm các việc cần triển khai như mua sắm vắc-xin cho tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung, tiêm bù, tiêm vét và triển khai vắc-xin mới trong tiêm chủng mở rộng năm 2025.
Các tỉnh, TP sẽ tổ chức tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện, trạm y tế, tổ chức tiêm chủng cho có bệnh nền, trẻ cần khám sàng lọc tại bệnh viện.
Các địa phương tổ chức tiêm chủng thường xuyên ít nhất 2 tháng/lần, thực hiên tiêm vét ngay trong tháng và tiêm bù cho đối tượng chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi.
Hà Nội: Thêm 109 ca sốt xuất huyết và 11 ổ dịch trong một tuần
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7), toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, trong tuần qua còn ghi nhận thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 30 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện nêu trên. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vượt ngưỡng nguy cơ cao. Do đó, dự báo, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyên môn của CDC Hà Nội, trong tuần qua, các địa phương đã tổ chức 24 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng, chống dịch tại 77.462 hộ gia đình và 499 khu vực khác (trường học, công cộng…); xử lý gần 11.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế, thực hiện báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống.
Sở Y tế thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao.
Riêng đối với UBND huyện Đan Phượng, tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch không để ổ dịch kéo dài lan rộng trên địa bàn.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 31 ca tay chân miệng, hầu hết là ca tản phát và 12 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 1.656 ca tay chân miệng (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 173 ca ho gà tại 28 quận, huyện, thị xã (trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh).