Từng rất nghiện game
Tuấn cho biết sinh ra tại xã Văn Lý, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi mà đa phần bạn bè đồng trang lứa đều đi làm sớm sau khi học xong bậc THCS. “Trước đây mình rất nghiện game, buổi trưa đi học về là ra quán internet, đến tối lại cùng nhóm bạn kết nối wifi hàng xóm ngồi chơi game. Lên bậc THPT, mình vẫn trốn học đi chơi game, thậm chí gần 1 tháng đầu năm lớp 10, mình không gặp mặt cô giáo. Cuối năm lớp 10, điểm trung bình của mình xếp gần cuối lớp. Thời gian đó, ai cũng nghĩ mình tốt nghiệp THPT đã là may mắn rồi chứ không nghĩ đến việc trở thành thủ khoa sau này”, Tuấn kể lại.
Khi nhận được kết quả không tốt, Tuấn mới thức tỉnh và bắt đầu quyết tâm học tập. Năm lớp 11, Tuấn đã tập trung vào việc học, đặc biệt là môn hóa. Đến hè năm lớp 11, Tuấn đã xin cô giáo để vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi hóa để học nâng cao. Trong những lần đầu thi thử, điểm của Tuấn luôn thấp nhất trong nhóm gần 10 học sinh.
“Nhưng với sự cố gắng, chăm chỉ làm các bài tập cô giao, kết quả trong bài thi cuối cùng để chọn đội tuyển, Tuấn đã nằm trong top 5. Sau đó, Tuấn đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hà Nam môn hóa”, Tuấn kể lại.
Tuấn cho biết khoảng thời gian học đại học là lúc thay đổi bản thân. Thời gian này Tuấn bắt đầu đọc các loại sách self-help (sách có nội dung giúp người đọc tự cải thiện, phát triển bản thân). Bài học mà Tuấn rút ra được là đặt mình vào thế khó, thoát khỏi vùng an toàn và dần hoàn thiện bản thân qua từng ngày.
“Thời gian đầu mình rất nhút nhát, không hiểu bài cũng chẳng dám hỏi lại giảng viên. Nhưng sau đó, mình đã thử và nhận được nhiều sự giúp đỡ từ thầy, cô. Vượt qua nỗi sợ hãi, nhút nhát mình đã quyết tâm tham gia câu lạc bộ thuyết trình để được nói nhiều, đứng trên sân khấu trình bày suy nghĩ của bản thân. Nhờ vậy, mình dần cải thiện khả năng nói, tự tin hơn”, Tuấn chia sẻ.
Sau nhiều sự cố gắng và nỗ lực, Tuấn đã tốt nghiệp thủ khoa ngành kỹ thuật công nghệ cơ điện tử với điểm trung bình (GPA) 3.81/4.0. Tuấn cho biết không có bí quyết học tập gì đặc biệt để trở thành thủ khoa mà chỉ tập trung vào 5 yếu tố: đặt mục tiêu, sự chăm chỉ, mạnh dạn hỏi giảng viên khi chưa hiểu bài, tìm kiếm thêm thông tin liên quan đến bài học trên internet và học hỏi kinh nghiệm của anh, chị đi trước.
“Trước mỗi học kỳ mình sẽ đặt mục tiêu, từ đó có động lực để tiến bước. Mình cố gắng giải hết lượng bài tập “khủng” về các môn giải tích, đại số, sau đó còn xin thêm đề của những trường khác làm thêm. Khi không hiểu phần kiến thức nào đó, mình sẽ liên hệ nhờ giảng viên hỗ trợ”, Tuấn chia sẻ.
Chàng thủ khoa nói thêm: “Mình còn tìm kiếm tài liệu liên quan đến chủ đề đang học trên internet để hiểu sâu thêm. Việc đi xin kinh nghiệm học tập khá quan trọng, nhờ vậy mà mình có thể lường trước các tình huống và chuẩn bị bài kỹ hơn”.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Ngoài học tập tốt, Tuấn còn đam mê nghiên cứu khoa học. Tuấn là đồng tác giả của các bài báo khoa học, như: “Cải tiến YOLOv5 cho phát hiện trang thiết bị bảo hộ cá nhân tại các công trường xây dựng thực tế” trình bày tại Hội nghị quốc tế về công nghệ tính toán và truyền thông 2023, “Nhận diện các bệnh lý thực vật dựa trên mức độ đặc tính cục bộ, toàn cầu sử dụng Transformer” đăng trên Tạp chí Kỹ thuật điện và khoa học máy tính Indonesia 2024…
“Tuấn tâm đắc nhất đề tài về phát hiện người trên máy bay không người lái nhằm mục đích cứu hộ, cứu nạn. Đây chính là đề tài khóa luận của mình làm cùng nhóm. Chúng mình đã tự xây dựng mô hình máy bay, ứng dụng điều khiển và kết hợp với thuật toán trí tuệ nhân tạo để phát hiện người bị nạn”, Tuấn chia sẻ.
Đề tài này áp dụng mô hình trí tuệ nhân tạo tích hợp trên máy bay không người lái, là bước đầu cho việc triển khai các dự án drone cứu hộ, cứu nạn. Với đề tài này, Tuấn đã đạt giải nhất kỳ thi nghiên cứu khoa học cấp trường và bảo vệ khóa luận loại xuất sắc.
Nhờ có kế hoạch học tập, tích cực trong các hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học, cải thiện kỹ năng ngoại ngữ và kết quả tốt nghiệp thủ khoa nên Tuấn đã xin được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại University of Paris Saclay, Pháp.
“Chuyên ngành và hướng nghiên cứu của mình là thị giác máy tính. Cụ thể là áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý các bài toán với đầu vào là hình ảnh, sau đó ứng dụng lên những robot, hệ thống trong thực tế”, Tuấn nói.
Tiến sĩ Hà Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Các khoa học ứng dụng, trưởng ngành công nghệ tài chính và kinh doanh số, Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, từng hướng dẫn Tuấn nghiên cứu khoa học, nhận xét: “Tuấn luôn tìm tòi, khám phá những kiến thức mới, không ngại khó khăn và thử thách. Nhìn lại quá trình 2 năm nghiên cứu của Tuấn trong phòng thí nghiệm, tôi nhận thấy rằng bạn luôn có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật bản thân, làm việc rất tập trung và chủ động có kế hoạch, thời hạn rõ ràng. Đặc biệt hơn, Tuấn mang trong mình sự tự tin và bản lĩnh”.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/tu-nghien-game-den-tot-nghiep-thu-khoa-va-hoc-bong-toan-phan-tai-phap-185240914153605546.htm