Từ dòng Seine trữ tình, sông Thames lịch lãm, đến dòng Rhine hùng vĩ hay những con kênh thơ mộng ở Amsterdam, mỗi cuộc hành trình là một trải nghiệm khám phá không giới hạn. Trong đó, chuyến du ngoạn trên dòng Danube tại Budapest (Hungary) thực sự để lại dấu ấn sâu đậm về biểu tượng kiến trúc và nghệ thuật của thành phố được mệnh danh đẹp nhất châu Âu.
Thành phố chia đôi bờ thương nhớ
Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân tới Budapest vào một ngày mùa đông sát lễ Giáng sinh. Thành phố Đông Âu mang cái lạnh tê người dù trời xanh trong và nắng vàng như rót mật. Budapest được mệnh danh là “Paris của Đông Âu”, nổi bật với những di sản kiến trúc và những con phố cổ kính. M. John Harrison – nhà phê bình văn học người Anh, từng mô tả Budapest là “cái nhìn hào nhoáng của phương Đông về phương Tây, là ảo mộng của phương Tây về phương Đông”.
Bên trong thành phố đa chiều văn hóa này có câu chuyện về “đôi bờ” định mệnh. Budapest thực ra là tên ghép của 2 thành phố: Buda ở bờ Tây và Pest ở bờ Đông sông Danube. Đó không đơn thuần là cách tạo ra một cái tên thú vị cho thủ đô của Hungary, mà còn định hình hai phong cách hoàn toàn khác biệt. Buda yên ả, trầm mặc được bao quanh bởi những ngọn đồi xinh đẹp, công viên xanh mát và cả những tòa lâu đài cổ kính. Pest lại mang trong mình sự tươi mới với những đại lộ lớn, những tòa cao ốc to đẹp và những nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, sự đối lập này lại được hòa quyện hoàn hảo, tạo nên một Budapest vừa cổ điển vừa hiện đại, hết sức năng động nhưng vẫn đầy chất trữ tình. Và, để thực chứng một Budapest quyến rũ, mê hoặc như vậy, không cách nào tuyệt vời hơn là thực hiện chuyến đi dọc theo “vĩ tuyến” phân chia đôi bờ của thành phố – dòng Danube.
Sông Danube là con sông dài thứ hai châu Âu với 2.850km, bắt nguồn từ Rừng Đen chảy qua phần lớn miền Trung và Đông Nam châu Âu, sau đó đổ về Biển Đen. Thế nhưng, dường như chẳng nơi đâu trên 10 quốc gia có dòng chảy của Danube đẹp và đầy mê hoặc như ở Budapest, nơi dòng sông bất ngờ đổi hướng từ đông – tây sang bắc – nam. Dòng sông Danube êm đềm chảy qua Budapest như một chứng nhân thầm lặng cho những trang sử hào hùng và bi tráng của thành phố này.
Bắt đầu từ bến du thuyền ở trung tâm, dưới ánh chiều tà, trong âm sắc bản hòa tấu “Dòng Danube xanh” mơ mộng, hải trình trong khoảng 1 giờ đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này sang sự choáng ngợp khác bởi những công trình kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử được coi là tinh hoa của một đế chế Đông Âu. Tất cả tạo ra trải nghiệm đa giác quan tuyệt vời.
Trầm tích lịch sử và dấu ấn nghệ thuật
Tôi đã yêu Budapest từ cái nhìn đầu tiên, khi ánh mắt chạm tới tòa nhà Quốc hội, biểu tượng kiêu hãnh của Hungary và là một trong những tòa nhà lập pháp đẹp nhất thế giới. Công trình hơn 100 năm tuổi với kiến trúc Gothic tráng lệ, mái vòm đỏ nổi bật và những chi tiết chạm khắc tinh xảo không chỉ là nơi làm việc của chính phủ mà còn là bảo tàng “sống” lưu giữ những hiện vật quý giá. Đây là một công trình vĩ đại cả về tầm vóc và sức nặng nghệ thuật. Khi ánh hoàng hôn buông xuống, tòa nhà lung linh trong ánh đèn vàng nổi bật như một cung điện cổ tích giữa lòng thành phố.
Khi du thuyền tiến xa hơn, Nhà thờ Matthias hiện ra với vẻ đẹp nguy nga, một tuyệt tác kiến trúc Gothic đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Mái ngói nhiều màu sắc của nhà thờ lấp lánh dưới ánh sáng, tạo nên một khung cảnh cổ tích. Nằm sát nhà thờ là pháo đài Ngư dân, được người Hungary bình chọn là một trong “7 kỳ quan kiến trúc Hungary”, nhằm khắc ghi công lao của ngư dân vào thời Trung cổ đã chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của Budapest. Và kia, trên đỉnh đồi Buda, lâu đài cùng tên hùng vĩ nhìn xuống dòng sông Danube, được xây dựng từ thế kỷ XIII, không chỉ là biểu tượng của quyền lực hoàng gia mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Budapest, một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Từ trên du thuyền, có thể thấy toàn cảnh lâu đài hùng vĩ, với những bức tường thành cổ kính và khu vườn xinh đẹp bao quanh.
Trên dòng Danube có đến 9 cây cầu tuyệt đẹp làm nên tên tuổi “thành phố của những cây cầu”. Bắt đầu từ cầu Chain, cây cầu đầu tiên và là biểu tượng của sự kết nối giữa Buda và Pest. Cầu Chain, còn gọi là cầu Xích, được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, nổi bật với chiều dài 375m và hai mố cầu hình cổng khải hoàn, lung linh dưới ánh đèn vàng vào buổi tối, như một viên ngọc sáng trên dòng sông. Ngoài ra, còn những cây cầu khác như cầu Margaret, Elisabeth và Liberty, mỗi cây cầu mang một nét đặc trưng riêng. Cầu Elisabeth kết nối trung tâm Pest với đồi Gellért, nơi có tượng đài Nữ thần Tự do, trong khi cầu Liberty với phong cách Art Nouveau là dấu ấn độc đáo trong cảnh quan thành phố.
Chuyến du thuyền trên sông Danube cũng đưa tôi đến gần hơn với cuộc sống thường nhật của người dân Budapest. Tôi nhìn thấy những quán cà phê, nhà hàng yên bình ven sông, những công viên xanh mướt và cả những khu chợ tấp nập. Kết thúc chuyến đi, còn lại trong tôi là một hành trình khám phá không chỉ về cảnh đẹp mà còn về lịch sử của Budapest – “trái tim” của châu Âu.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/troi-giua-doi-bo-di-san-tren-dong-danube-689572.html