Từ ngày 1 – 31.7, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội, diễn ra các hoạt động với chủ đề “Mùa hè – Trải nghiệm và khám phá”.
Hoạt động tháng 7 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của hơn 100 đồng bào 16 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 11 địa phương có đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Chương trình gồm các hoạt động như: giới thiệu văn hóa truyền thống gắn với các không gian của đồng bào các dân tộc; giới thiệu văn hóa truyền thống tộc người về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội… Cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống.
Đến mỗi điểm làng, công chúng và các em nhỏ sẽ được trải nghiệm, tương tác, tham gia vào quá trình tạo sản phẩm, nghe đồng bào kể chuyện, hướng dẫn, thao tác sản phẩm thủ công truyền thống. Trong quá trình trải nghiệm, du khách sẽ được nghe những chia sẻ về đời sống văn hóa, những câu chuyện gắn với cộng đồng dân tộc để hiểu hơn giá trị truyền thống các tộc người cũng như giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, khát khao tìm hiểu, trải nghiệm.
Các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống với các trò chơi như đánh chắt chơi truyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời, giúp các em học sinh tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, văn hóa, góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn gắn kết thêm về tình bạn, tình yêu gia đình.
Vào dịp cuối tuần, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ, là nghi thức có từ thời đức Phật tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này các gia đình Phật tử tập trung tại chùa dâng cúng chư tăng tứ vật dụng cần thiết và lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to để thắp liên tục trong 3 tháng nhập hạ.
Bên cạnh đó là hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày với các hoạt động trải nghiệm giao lưu văn nghệ, giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như: trình diễn đàn tơ rưng, đinh pút, chapi, hát những ca khúc về Tây Nguyên, múa xòe, múa lăm vông…