Nỗ lực đạt nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện
Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, xã Đại Áng và xã Yên Mỹ của huyện Thanh Trì đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch và chuyển đổi số. Thời gian tới, các xã của Hà Nội nỗ lực để có thêm nhiều lĩnh vực đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới đạt chuẩn toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện không chỉ là danh hiệu, mà còn là điều kiện để nâng cao mọi mặt đời sống người dân. Hiện nay, hầu hết các xã nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố mới đạt từ 2 đến 4 lĩnh vực. Do đó, quan điểm chỉ đạo của thành phố là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã chưa đạt. Với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng chưa toàn diện tiếp tục đầu tư cho các lĩnh vực còn lại để đạt cả 8/8 lĩnh vực và hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh.
Mối lo lạm thu đầu năm học mới
Năm học mới 2024-2025 bắt đầu cũng là lúc câu chuyện tiền trường đầu năm rục rịch nóng ở các diễn đàn. Năm nào, cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, nhắc nhở, nhưng đây vẫn là bài toán khó tìm lời giải. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước – hơn 2.900 trường học, gần 2,3 triệu học sinh, việc tăng tính minh bạch của từng khoản thu cùng những quy định liên quan là yêu cầu được Hà Nội quán triệt nhằm giảm hiện tượng lạm thu, hạn chế tối đa bức xúc.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi ngay từ những ngày đầu năm học; kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng lạm thu; xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nhà trường có sai phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường không thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm; không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Các phòng giáo dục và đào tạo công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến các hoạt động giáo dục, trong đó có thu chi.
Nữ cán bộ tận tâm với quê hương
Về thôn Thượng, xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức), hỏi thăm bà Trần Thị Giang, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, nhân dân trong thôn, trong xã, ai nấy đều biết và ngưỡng mộ sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn tận tâm, hết lòng của bà Giang đối với sự phát triển của quê hương.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuy Xá Đỗ Tiến Phước đánh giá: “Đồng chí Trần Thị Giang thực sự là một nữ cán bộ năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm, luôn sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, đồng chí đều hoàn thành tốt với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhiều năm, đồng chí được Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Xuy Xá tặng Giấy khen vì có thành tích tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Đồng chí Giang thực sự là một tấm gương sáng về tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, hết lòng với quê hương”.
Xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất): Không để phát sinh vi phạm đất đai
Hàng chục trường hợp vi phạm đất đai đã được xử lý triệt để; nhiều vi phạm tồn tại cũ được thiết lập lại hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xin hướng xử lý; tăng cường trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ xã đến thôn kiểm tra, xử lý, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh… Đây là kết quả nổi bật mà cấp ủy, chính quyền xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) đạt được từ năm 2022 đến nay.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác xử lý vi phạm đất đai, song đến nay Chàng Sơn vẫn còn nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý, xã tiếp tục phân loại, xử lý theo lộ trình. Bên cạnh đó, do nhu cầu mặt bằng lớn, nên vẫn còn tình trạng người dân lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ cố tình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng bất chấp sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tồn tại trên gây không ít khó khăn trong công tác quản lý đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án trên địa bàn, đồng thời gây nên tình trạng đơn thư, khiếu nại…
Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 21-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Thực tế nêu trên đã khiến những điều khoản của Luật Thủ đô 2012 không còn là giá trị riêng có Thủ đô, bị các luật ban hành sau vô hiệu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/tin-tuc-dac-biet-tren-bao-in-hanoimoi-ngay-6-9-2024-676879.html