Ảnh tượng đài Lý Thái Tổ
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long. Trong Chiếu dời đô có nêu rõ: “thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Đông Bắc Nam Tây, tiện hình thế, nhìn sông tựa núi…Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…’’. Đời Lê Thánh Tông, thành Đông Kinh tức kinh đô Thăng Long được gọi là phủ Trung Đô rồi phủ Phụng Thiên. Năm 1831 Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân và tỉnh lỵ đóng ởphủ Hoài Đức tức thành Thăng Long cũ, do đó Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là một sự kiện lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí tự cường dân tộc , xác lập sự tập trung chính quyền về trung ương, mở ra trang sử văn hiến, anh hùng của Thăng Long và của dân tộc.
Nhà Lý hết sức quan tâm đến việc nghiên cứu và giải quyết những vấn đề về xã hội và con người, trước hết là vấn đề Nhà nước và Pháp luật. Một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh và thống nhất được hình thành trong toàn quốc, từ trung ương đến các lộ, phủ, huyện và các đơn vị cơ sở.
Các hoạt động lập pháp được đẩy mạnh. Năm 1042, Lý Thái Tông cho ban bố Hình thư. Năm 1054, Lý Thánh Tông lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Việt, xây dựng Nhà nước trung ương tập quyền gần gũi với nhân dân. Từ đây, đất nước ta dần dần đi vào thế ổn định vững chắc trên nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội. Cũng từ đây, nền văn hóa Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần. Năm 1070, nhà Lý đã lập Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long thờ các bậc tiên Nho và mở lớp cho hoàng thái tử đến học tập, từ lớp học hoàng gia sau dần trở thành trườngQuốc Tử Giám- trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Trong vòng 138 năm, nhà Lý đã tổ chức 6 kì thi đại khoa và nhiều khoa thi viết chữ, thi tính toán, thi pháp luật để tuyển nha lại làm việc.Toán học thời Lý được áp dụng vào công việc sổ sách. Địa lý học cũng được chú ý, kỹ thuật vẽ bản đồ cũng được hình thành . Năm 1075 Lý Thường Kiệt vẽ bản đồ hình thế núi, sông của châu Bố Chính, châu Ma linh và Địa lý của Chiêm thành dâng cho vua Lý. Văn học nghệ thuật phát triển, khí phách hào hùng của dân tộc được thể hiện qua những tác phẩm viết về Thăng Long, như “Chiếu hỏi ý kiến quần thần về việc dời đô Hoa Lư về định đô ở thành Đại La” của Lý Công Uẩn, “Nam quốc sơn hà” thời Lý Thường Kiệt chống giặc Tống. Hội họa, điêu khắc, vẽ tranh, tạc tượng thời này rất phát triển phục vụ yêu cầu tôn giáo…
Phát huy tính tích cực của cả Nho – Phật – Đạo ở Thăng Long
Nói không khí học thuật cũng như đời sống tư tưởng dưới triều Lý tại kinh đô Thăng Long chịu sự chi phối của tinh thần Tam giáo đồng nguyên, thì đó là một luận điểm có tính chất đại quan. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, những nhà lãnh đạo quốc gia Đại Việt lúc này hay lúc khác đã tỏ rõ sự quan tâm ở những mức độ khác nhau đối với mỗi đạo phái, mà nổi bật hơn dưới triều Lý vẫn là sự quan tâm đặc biệt đối với Phật giáo. Nhà Lý cho xây dựng nhiều chùa, tháp, đình miếu, như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, đàn Xã Tắc, Viên Khâu, Nam Giao. Với vai trò là những phần tử trí thức của thời đại, các nhà sư có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Họ đã mở các trường dạy học cho cả tăng sĩ và cư sĩ. Thiền sư Vạn Hạnh đã dạy Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) tại chùa Lục Tổ. Tô Hiến Thành, Ngô Hòa Nghĩa cũng được đào tạo và thụ giáo với nhà sư Trí thiền trên núi Cao Dã. Thời Lý, đạo Phật đã hòa nhập vào cuộc sống, thịnh hành và được coi như quốc giáo. Trong lịch sử nước nhà, nền văn hóa Đại Việt được mang tên văn hóa Thăng Long.