Chùa Kim Liên thời hậu Lê
Nhà Trần trị vì được 175 năm thì lâm vào suy thoái. Đầu năm 1428, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn và sau 9 năm kháng chiến chống quân Minh đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch giải phóng Đông Quan. Ngày 29/4/1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Thăng Long.
Từ đầu thế kỉ XV, Nho giáo tiến lên địa vị độc tôn, phục vụ đắc lực chế độ phong kiến tập quyền đang phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ, nhưng đồng thời Phật giáo và Đạo giáo vẫn được duy trì trong chừng mực có lợi cho địa vị thống trị của giai cấp phong kiến.
Theo Đỗ Nhuận thì vua Lê Thánh Tông là một người rất am hiểu và tôn sùng Lý học của Tống Nho: “Về phần Lý học, hoàng thượng vừa sáng suốt vừa rộng khắp, ở trong lí lẽ phức tạp có sự phân biệt rõ ràng, nghĩa lí tinh vi sâu sắc…”. Lê Thánh Tông quan niệm “đạo là sự việc đương nhiên rõ ràng dễ biết; lí là cái lí do dĩ nhiên (tức lí do phát sinh ra sự vật – TG) huyền vi mầu nhiệm khó mà thấy được…” (Toàn thư. Sđd, tập 2, tr. 466). Đạo chính là quy luật của sự vật mà lí trí con người có thể nhận thức được, còn lí là một yếu tố tinh thần huyền bí làm khởi nguyên của mọi sự vật. Đó chính là tư tưởng triết học duy tâm của học thuyết Tống Nho. Sử học được phát triển cao và là phần quan trọng nhất của khoa học xã hội và nhân văn thời Lê
Với tinh thần “Văn – Sử – Triết bất phân”, hầu hết giới quan lại đều nắm chắc, các nhà sáng lập nên triều đại và toàn thể trí thức, đều có ý thức ghi chép lại lịch sử, thuật lại những lời nói, hành động đương thời của mình để truyền lại cho con cháu lấy đó làm bài học kinh nghiệm trong việc xử thế.
Bộ sử đầu tiên được biên soạn dưới thời Lê sơ là bộ Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi . Năm 1455, Lê Nhân Tông sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên chép tiếp theo bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần. Bộ sử này gồm 10 quyển, chép lịch sử từ Trần Thái Tông (1225-1257) cho đến khi quân Minh bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Năm 1479, nhà sử học Ngô Sĩ Liên theo lệnh của Lê Thánh Tông biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Về mặt sử liệu, Đại Việt sử ký toàn thư đã thu thập và trình bày một cách có hệ thống, theo lối biên niên, những tư liệu về lịch sử Việt Nam trong một thời kì phát triển dài từ buổi đầu dựng nước cho đến đầu thế kỉ XV.
Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, thời Lê sơ là thời kì độc tôn Nho giáo và Lê Thánh Tông là ông vua Nho giáo điển hình. Việc sử dụng sử học làm vũ khí tinh thần để củng cố và động viên tinh thần dân tộc học trong quần chúng nhân dân là truyền thống hình thành từ lâu đời của cái học Nho giáo. Nhưng đối với các vị vua đời Lê Sơ, nhất là với vị vua “hùng tài đại lược” Lê Thánh Tông còn bởi một lí do hết sức cấp thiết và quan trọng: Khẳng định sự hùng cường của quốc gia Đại Việt trong thế đối đầu thường xuyên với đế chế nhà Minh ở phương Bắc và thế chiến thắng tất yếu với Chiêm Thành ở phương Nam, cùng với Bồn Man, Ai Lao ở phương Tây.
Sử học dưới thời Lê sơ, đã hoàn thành xứng đáng nhiệm vụ lịch sử của nó: Góp phần không nhỏ trong việc động viên tinh thần dân tộc, củng cố tình đoàn kết từ triều đình đến dân chúng, đặt nền móng cho toàn bộ giáo dục và khoa học nhằm xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành một quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á vào nửa cuối thế kỉ XV. Vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484), lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, kể từ khoa Ất Mão (1075) đến lúc này, Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu kinh đô Thăng Long. …Những tấm bia Tiến sĩ ấy đã làm nức lòng phấn chí biết bao sĩ tử đang miệt mài kinh sử, đua tranh trên con đường khoa cử và hiện nay còn lại như dấu vết một quá khứ thịnh đạt của nền giáo dục thi cử phong kiến.
Sự phát triển hơn nữa của sử học
Trong 3 thế kỉ từ đầu thế kỉ XVI đến XVIII, đời sống văn hóa giáo dục thời Lê –Trịnh khá phát triển. Một cuốn sử viết bằng thơ xuất hiện ở thời kì này, đó là quyển Thiên Nam ngữ lục, dài hơn 8.000 câu thơ thể lục bát. Hoàng Lê nhất thống chí hay An Nam nhất thống chí của Ngô Thì Chí và các tác giả trong Ngô gia văn phái, chép công việc từ đời Trịnh Sâm đến lúc nhà Trịnh mất nghiệp (1787), viết theo thể Tam quốc chí diễn nghĩa, có 7 hồi và một bản tục biên 9 hồi nữa, chép tiếp từ khi Lê Chiêu Thống chạy sang và nhiều công việc của triều Tây Sơn.