Dù thành công hay chưa thành công nhưng tất cả đều có giá trị riêng, tiếp thêm động lực cho các cầu thủ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hướng đến mục tiêu tiếp theo.
![bong-chuyen.jpg](https://www.vietnam.vn/hanoi/wp-content/uploads/2025/02/Them-dong-luc-tu-nhung-cau-thu-xuat-ngoai.jpg)
Cơ hội được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm
Tính đến trước Tết Nguyên đán 2025, bóng chuyền nữ Việt Nam có hai cầu thủ thi đấu đáng chú ý ở nước ngoài gồm: Trần Thị Thanh Thúy tại Câu lạc bộ Gresik Petrokimia (Indonesia); Trần Thị Bích Thủy tại Câu lạc bộ GS Caltex (Hàn Quốc).
Trong đó, Trần Thị Thanh Thúy là tay đập nữ số 1 của bóng chuyền Việt Nam, đồng thời là vận động viên có thâm niên thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài nhiều nhất gồm: Bangkok Glass (Thái Lan), Attack Line (Đài Loan, Trung Quốc), Denso Airybees, PFU BlueCats (Nhật Bản), Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ) và Gresik Petrokimia (Indonesia).
Đáng nói, cuộc chia tay của Thanh Thúy với đội bóng của Indonesia diễn ra khi hợp đồng của hai bên mới thực hiện được 1 tháng do bị chấn thương đầu gối. Thanh Thúy gia nhập Gresik Petrokimia hồi đầu tháng 12-2024, sau khi kết thúc sớm hợp đồng với Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 11-2024. Cô cùng đồng đội thi đấu 7 trận và chỉ giành được 2 trận thắng cùng vị trí thứ 5/7 trên bảng xếp hạng. Trong khi đó, mục tiêu của Gresik Petrokimia là phải lọt vào nhóm 4 đội dẫn đầu sau vòng phân hạng. Vì vậy, Gresik Petrokimia đã quyết định ký hợp đồng với chủ công người Mỹ cao 1,97m là Julia Sangiacomo.
Trước đó, Thanh Thúy cũng chỉ có 2 tháng thi đấu cho Câu lạc bộ Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là hai chuyến xuất ngoại không thành công, nhưng Thanh Thúy vẫn đi vào lịch sử bóng chuyền Việt Nam khi trở thành cầu thủ có 6 lần thi đấu ở nước ngoài.
Trong khi đó, phụ công Trần Thị Bích Thủy đang có hành trình khá suôn sẻ tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Hàn Quốc trong màu áo Câu lạc bộ GS Caltex. Đây là lần đầu tiên xuất ngoại thi đấu của cầu thủ này. Xuất hiện và thi đấu cho đội bóng thủ đô Hàn Quốc ở nửa cuối mùa giải 2024-2025, phụ công 25 tuổi có sự thích nghi khá tốt và đã giúp GS Caltex cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng. Trước đó, đội bóng này có 14 trận thua liên tiếp và đứng cuối bảng. Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ GS Caltex, Lee Young-taek đã dành nhiều lời khen ngợi cho tân binh đến từ Câu lạc bộ Hóa chất Đức Giang này.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, câu chuyện từ Thanh Thúy, Bích Thủy… cũng cho thấy con đường thi đấu ở nước ngoài không trải hoa hồng. Có thành công và đương nhiên là có thất bại. Nhưng đó là chuyện bình thường và vận động viên phải xác định rõ. Quan trọng nhất là sự lựa chọn của họ khi thi đấu ở nước ngoài, tại nơi mà họ có thể được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Điểm tựa cho đội tuyển
Năm 2025, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục bận rộn với lịch trình thi đấu quốc tế. Thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ tham gia 6 giải đấu gồm AVC Challenge Cup, giải vô địch thế giới, SEA V.League (2 chặng), VTV Cup và SEA Games 33. Để chuẩn bị cho điều này, nhân sự là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu.
Huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Tuấn Kiệt cho hay, bên cạnh lứa cầu thủ đang vào độ chín, thi đấu trong nước và đã để lại dấu ấn thời gian qua như Bích Tuyền, Nguyễn Thị Trinh, Tú Linh…, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam còn đặt hy vọng vào những gương mặt đang thi đấu ở nước ngoài sẽ tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển trong thời gian tới. Dù có hai chuyến xuất ngoại không thành công như mong muốn, nhưng Thanh Thúy vẫn là một chủ công xuất sắc của bóng chuyền nữ. Kinh nghiệm của Thanh Thúy tại các giải bóng chuyền hàng đầu thế giới như Nhật Bản hay Thổ Nhĩ Kỳ rất cần thiết cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Lúc này, điều cần nhất ở Thanh Thúy là bình phục chấn thương, tìm lại phong độ của mình. Còn với Bích Thủy, với việc cọ xát trong môi trường thi đấu ở đẳng cấp cao tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia Hàn Quốc, hy vọng cô sẽ đóng góp nhiều hơn cho đội tuyển quốc gia cũng như chính Câu lạc bộ Hóa chất Đức Giang.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, việc tạo điều kiện để cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là định hướng của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và nhiều câu lạc bộ hướng đến. Bóng chuyền nữ Thái Lan là ví dụ điển hình về hiệu quả sau nhiều năm đầu tư vào bóng chuyền nữ. Đó là họ đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu để đạt được chuyên môn tốt, sau đó trở về đội tuyển quốc gia thi đấu, giành các kết quả cao.
“Với việc tạo điều kiện cho cầu thủ xuất ngoại như hiện tại, bóng chuyền nữ Việt Nam có lẽ cũng đang học tập từ cách làm hiệu quả như vậy. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và các câu lạc bộ cũng cần tạo dựng mối quan hệ, có sự kết nối để tìm thêm cơ hội cho cầu thủ ra nước ngoài phát triển chuyên môn”, ông Lê Trí Trường nói.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/bong-chuyen-nu-viet-nam-them-dong-luc-tu-nhung-cau-thu-xuat-ngoai-692709.html