Hai ĐH Việt được xếp hạng về khoa học liên ngành
Tổ chức Times Higher Education (THE) tại Anh phối hợp với tổ chức Học giả khoa học Schmidt (Schmidt Science Fellows) ngày 21.11 công bố bảng xếp hạng ĐH nghiên cứu khoa học kiên ngành tốt nhất thế giới (ISR) năm 2025. Theo các bên, đây chính là bảng xếp hạng khoa học liên ngành đầu tiên trên thế giới, có mục tiêu “đánh giá những đóng góp và cam kết của các trường ĐH với khoa học liên ngành”.
Trong số 749 cơ sở giáo dục ĐH đến từ 92 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam có hai đại diện, lần lượt là Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí 95 và ĐH Duy Tân đứng thứ 176. Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt 56,5/100 điểm với điểm thành phần 3 tiêu chí đầu vào, quy trình và đầu ra là 51,5-33,3-63,6. Còn ĐH Duy Tân nhận 47,4 điểm, với điểm thành phần các tiêu chí nêu trên là 26,1-33,3-57,1.
Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà các trường này đạt được ở lần đầu tiên xuất hiện trong những bảng xếp hạng của THE. Trước đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ ở nhóm 101-200 khi ra mắt trong bảng xếp hạng các ĐH có sức ảnh hưởng nhất vào 2019, hay hạng 98 trong bảng xếp hạng các ĐH trẻ tốt nhất thế giới vào năm 2022. Tương tự, thành tích này của ĐH Duy Tân lần lượt là 601-800 và 122, cùng vào năm 2022.
Trong khi đó, với bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới – cũng là bảng xếp hạng danh giá nhất của THE – thứ hạng cao nhất từng ghi nhận tại Việt Nam thuộc về ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng khi ra mắt ở vị trí 401-500 vào năm 2022 và sau đó duy trì thành tích đến năm 2023.
Mặt khác, ĐH Kinh tế TP.HCM cũng góp mặt ở bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới về nghiên cứu khoa học liên ngành nhưng ở trạng thái “reporter” (được báo cáo). Điều này đồng nghĩa, trường chỉ đạt một số tiêu chí nhất định chứ không đáp ứng đủ yêu cầu nên chưa được xếp hạng. Cùng nhóm “reporter” với ĐH Kinh tế TP.HCM còn có 273 trường ĐH khác trên thế giới.
Đáng chú ý, một cái tên nổi bật về nghiên cứu khoa học liên ngành tại Việt Nam là Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật (SIS) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội chưa xuất hiện ở bảng xếp hạng năm nay.
Khoa học liên ngành là sự kết hợp kiến thức, phương pháp, truyền thống từ nhiều ngành khoa học khác nhau. Nó có thể là nhiều nhà nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác, hoặc một nhà nghiên cứu tiếp cận một câu hỏi khoa học dưới nhiều góc độ khác nhau. Riêng ở bảng xếp hạng năm nay, THE chỉ xét các ngành khoa học thuộc 4 lĩnh vực chính: khoa học máy tính, kỹ thuật, khoa học sự sống và khoa học vật lý.
Trước đó trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm 2025, Việt Nam lần đầu tiên có 9 trường đại diện, cũng là thành tích cao nhất nước ta đạt được trong các bảng xếp hạng nổi tiếng toàn cầu của Anh và Trung Quốc. Trong số đó có 3 cái tên mới là ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Y Hà Nội và 6 gương mặt cũ là ĐH Duy Tân, Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Huế và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Phương pháp xếp hạng ra sao?
Theo THE và Học giả khoa học Schmidt, việc xếp hạng các ĐH trên toàn cầu về nghiên cứu khoa học liên ngành dựa trên 11 tiêu chí khác nhau, chia thành 3 nhóm chính là đầu vào, quy trình và đầu ra. Mỗi nhóm này cũng đại diện cho một giai đoạn trong vòng đời của các dự án nghiên cứu và mỗi nhóm tiêu chí chiếm 16-65% trọng số trong kết quả xếp hạng cuối cùng, nhiều nhất ở nhóm đầu ra.
Cụ thể, nhóm đầu vào gồm 2 tiêu chí: kinh phí nghiên cứu khoa học liên ngành (chiếm 8%) và kinh phí từ ngành công nghiệp (11%). Nhóm quy trình gồm 4 tiêu chí là thước đo thành công, cơ sở vật chất, hỗ trợ hành chính và quy trình thăng tiến (cùng 4%). Với đầu ra, 5 tiêu chí được sử dụng là số ấn phẩm nghiên cứu khoa học liên ngành (10%), tỷ lệ ấn phẩm nghiên cứu khoa học liên ngành và tính hữu dụng ngoài ngành (cùng 5%), chất lượng nghiên cứu khoa học liên ngành (20%), danh tiếng (25%).
Dữ liệu để xếp hạng các trường ĐH được dựa trên 157 triệu trích dẫn khoa học, 18 triệu ấn phẩm nghiên cứu và phản hồi khảo sát từ hơn 20.000 học giả trên toàn cầu, THE nói thêm.
Đứng số 1 tại bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới về khoa học liên ngành mới ra mắt là Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), theo sau với các hạng 2, 3 lần lượt là ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Quốc gia Singapore. Vị trí 4, 5, 6, 8, 10 cũng thuộc về các trường Mỹ là Viện Công nghệ California, ĐH Duke, Minnesota, California tại Santa Barbara và Michigan-Ann Arbor. ĐH và trung tâm nghiên cứu Wageningen ở Hà Lan giữ hạng 7, còn ĐH Công nghệ Nanyang tại Singapore xếp thứ 9.
THE là một trong những tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới bên cạnh bảng xếp hạng của QS (Anh) và ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc). THE xếp hạng các ĐH từ năm 2004 cùng QS, một năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi-moi-co-bang-xep-hang-khoa-hoc-lien-nganh-mot-dh-viet-nam-hang-95-185241123053141599.htm