Trước đó 3 ngày, chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu “ưu tiên dành các cơ sở vật chất dôi dư cho y tế, giáo dục, văn hóa, phục vụ mục đích công ích, công cộng”. Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tuần, những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ đã cùng có những phát biểu đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với đời sống người dân!
Với các bậc cha mẹ đang có con đi học, mỗi bữa ăn, mỗi khoản học phí đều “cần phải tính kỹ”, đều là “gánh nặng” lo cho con. Cả nước vừa nức lòng với quyết định của Bộ Chính trị miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học mới 2025-2026, nay càng phấn khởi khi người đứng đầu Đảng gợi mở cho Thủ đô gương mẫu “gánh đỡ” cho phụ huynh hỗ trợ thêm bữa ăn cho học sinh trên địa bàn. Gợi mở cho Thủ đô là cụ thể, nhưng xa rộng hơn chính là gợi mở cho tất cả các địa phương trên cả nước: Có thể làm gì tốt hơn nữa để chăm lo cho thế hệ tương lai? Có thể làm gì cụ thể hơn nữa để bớt gánh nặng cho dân?
Không chỉ là chuyện ăn học, với mỗi người, chuyện sức khỏe cũng phải chăm lo hằng ngày. Nhìn đến các bệnh viện, đâu cũng là cảnh quá tải, người bệnh thiếu giường nằm điều trị, thì người đi cùng chăm sóc lấy đâu ra giường mà chẳng phải nằm hành lang, nằm ghế đá? Điều trị, chữa chạy còn thiếu y bác sĩ, thì càng không tránh khỏi cảnh xếp hàng, mỏi mòn chờ đợi để được xét nghiệm, thăm khám. Từ quê lên thành phố xa ngái, chực chờ như thế thì ăn ở đâu, ngủ ở đâu cho khỏi cảnh vạ vật?
Con trẻ thiếu trường lớp, người bệnh chen chúc nằm điều trị, đó là điều không ai đành lòng được! Thế mà, nơi nào cũng có những tòa nhà, những trụ sở 5 năm, 10 năm, thậm chí hơn nữa sau khi sáp nhập, thu gọn… lại bỏ không, xuống cấp trong quên lãng. Nhìn vô cùng đau xót nhưng hỏi thì… không ai trả lời, không ai đứng ra chịu trách nhiệm!
Dù đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, không ít cử tri và người dân đau đáu nỗi lo: Bộ máy giảm, trụ sở dư ra dùng làm gì hay lại bỏ hoang, để mốc? Với những phát biểu của lãnh đạo Đảng, Chính phủ vừa nêu trên, mới hay rằng nỗi đau đáu của cử tri đã thấu đến những người có trách nhiệm cao nhất.
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã và đang chung nỗi lo của cử tri, của nhân dân; và hơn thế, nhanh chóng và dứt khoát đưa ra định hướng cụ thể để giải quyết dứt điểm nhiều nỗi lo cùng một lúc: Ưu tiên dùng trụ sở dôi dư để khắc phục một phần cảnh thiếu trường học, thiếu nơi khám chữa bệnh, thiếu nơi sinh hoạt thể thao, văn hóa. Và như thế, không chỉ chấm dứt cảnh những trụ sở dôi dư sau sắp xếp tới đây bị bỏ hoang, mà chính những trụ sở vốn bị “quên lãng” bấy lâu nay cũng sẽ được “hồi sinh” bằng chỉ đạo, gợi mở có mục đích rõ ràng, cụ thể.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ mười một (khóa XIII) hôm 16-4, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh: “Trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng làm việc này phải tính đến việc khác liên quan”. Tinh gọn bộ máy là có dôi dư trụ sở, nơi làm việc và đưa ngay những trụ sở, nơi làm việc dôi dư này giải quyết những bức xúc về chỗ ăn học, chỗ khám chữa bệnh thật sự đúng, trúng với nguyện vọng, nỗi lòng của cử tri và nhân dân, thực sự thấu tỏ lòng người dân vậy!
Nguồn: https://hanoimoi.vn/thau-to-long-dan-699382.html