Lễ hội Áo dài du lịch là một điểm nhấn đặc biệt trên hành trình sáng tạo của Hà Nội. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết, Hà Nội đã nhận được sự quan tâm và ngưỡng mộ của những người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới khi phối hợp tổ chức thành công các sự kiện lớn này. Đây là một tiền đề quan trọng để Thủ đô có thể tiếp tục là điểm đến của các sự kiện lớn hơn trong những năm sắp tới. Những sự kiện, không gian này không chỉ thúc đẩy sự tương tác văn hóa mà còn làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Bên cạnh các hoạt động, cơ sở hạ tầng sáng tạo cũng được Hà Nội quan tâm đầu tư mạnh mẽ.
Các trung tâm nghệ thuật, không gian sáng tạo, và khu công nghệ được phát triển, tạo điều kiện lý tưởng cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà sáng lập khởi nghiệp. Tiêu biểu là Nhà hát Hồ Gươm, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, Toong Co-working Space, Tổ Chim Xanh, Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Creative City… và rất nhiều địa điểm khác trở thành nơi hội tụ của những ý tưởng đổi mới và sáng tạo.
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo, đưa vào hoạt động Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn gốm sứ Quang Vinh khánh thành Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng. Cùng với đó là nhiều cuộc trưng bày, triển lãm thời gian qua được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt – công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ tọa lạc tại thôn 5, làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Không chỉ dừng lại ở các không gian sáng tạo đang được mở rộng, có thêm nhiều hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn, mà giờ đây tinh thần sáng tạo đã lan tỏa khắp mọi góc phố, con đường của Hà Nội. Chúng ta có thể thấy phong trào làm đẹp các khu dân cư, những con đường, ngõ phố một cách tự nguyện, tích cực của chính các cộng đồng, hay việc lấy ý kiến về xây dựng các cây cầu, tu bổ các tòa nhà… đều nhận được sự quan tâm hưởng ứng của rất nhiều người dân.
“Khi chúng ta đã quan niệm một con đường không chỉ để đi, một cây cột đèn đường không chỉ để chiếu sáng, một tòa nhà không chỉ đơn thuần để ở… tất cả cần phải trở thành một công trình nghệ thuật, một biểu tượng mới của thành phố, để chúng ta kể những câu chuyện đẹp về Hà Nội. Đó cũng là lúc tinh thần sáng tạo đã trở thành nguồn lực cho sự phát triển Thủ đô bền vững và hạnh phúc, xứng đáng với danh xưng ngàn năm văn hiến”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo ông, Hà Nội đang chứng tỏ mình không chỉ là một trung tâm của đổi mới mà còn là một ngọn hải đăng dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thành phố đang hiện thực hóa một tầm nhìn đầy cảm hứng: kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu.
Sự đầu tư mạnh mẽ vào văn hóa, với khoảng 14 nghìn tỷ đồng dành cho giai đoạn 2021-2025, không chỉ là con số ấn tượng mà còn là biểu hiện của một cam kết sâu sắc đối với di sản văn hóa. Hà Nội đang xây dựng một thương hiệu thành phố mà ở đó, văn hóa không chỉ được gìn giữ mà còn được nâng niu và thúc đẩy như một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển toàn diện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ, khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Hà Nội là lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Sự kiện này cũng giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Tọa đàm quốc tế Thành phố sáng tạo trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, ngày 21/11/2023. (Ảnh: Báo Hànộimới)
Để thực hiện mục tiêu đưa hoạt động sáng tạo vào đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động cộng đồng tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”…
Có thể nói, Hà Nội đã biến danh hiệu Thành phố sáng tạo thành một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy ngành thiết kế, tạo ra những sản phẩm và dự án đầy ấn tượng, đồng thời thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Danh hiệu này đã giúp thành phố khẳng định vai trò của mình trên bản đồ thiết kế toàn cầu, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và sáng tạo.