Đó là nội dung của buổi toạ đàm “Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo” diễn ra vào ngày 10-11 trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 đang diễn ra.
Chất liệu văn hóa dân gian là kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho các nhà sáng tạo ở các lĩnh vực, từ âm nhạc, thiết kế, hội họa, đến phim ảnh, thời trang… Các sáng tạo từ văn hóa dân gian đi vào cuộc sống, góp phần làm “hồi sinh” nét đẹp truyền thống nhưng cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: “Liệu đây chỉ là xu hướng nhất thời hay là vòng lặp có tính tất yếu?”
Bằng lăng kính của những những người trẻ tham gia cộng đồng sáng tạo, các khách mời đã đưa ra suy nghĩ, quan điểm về việc đưa chất liệu dân gian vào các sáng tạo mới. Với hơn 15 năm nghiên cứu và thực hành kiến trúc thuộc các lĩnh vực thiết kế, kiến trúc sư Lại Thành Tín cho biết, văn hoá dân gian là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tạo. Những năm gần đây, những người trẻ có ý thức rất rõ việc đưa văn hoá và truyền thống vào các sáng tạo để hấp dẫn công chúng, trong đó đã có các sản phẩm được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Về vấn đề này, nhà sáng lập của công ty thiết kế Direction Trần Đức Minh nêu ví dụ, rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã thành công nhờ việc sáng tạo trên chất liệu văn hoá dân gian. Điển hình như chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đang gây sốt trên truyền hình, rất nhiều tiết mục thành công nhờ các sáng tạo về âm nhạc, biểu diễn dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc. Nhiều trang phục dân tộc được các nghệ sĩ mặc biểu diễn trong chương trình cũng gây “sốt” và trở thành đề tài thảo luận trên các diễn đàn. Trước đó, đã có không ít nghệ sĩ biểu diễn thành công khi sáng tạo âm nhạc trên nền văn hoá dân tộc, điển hình như nhạc sĩ Lê Minh Sơn, ca sĩ Ngọc Khuê nổi tiếng với ca khúc “Chuồn chuồn ót”; ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh được đánh giá cao với ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại “Bánh trôi nước”, “Để Mị nói cho mà nghe”…
Ở góc độ là nhà sáng tạo trong lĩnh vực thời trang áo dài, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga – người khởi xướng sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành” diễu hành cổ phục Việt trên con đường di sản Thủ đô cho biết, gần đây, giời trẻ rất quan tâm đến cổ phục và thường xuyên mặc cổ phục trong các sự kiện, trở thành xu hướng rất tích cực. Tuy nhiên, chị Nga thừa nhận, xu hướng vận dụng chất liệu văn hoá dân gian trong thời trang có tính chu kỳ, lặp lại. Khoảng thời gian kỷ nệm 1000 năm Thăng Long, xu hướng mặc trang phục áo dài cổ được yêu thích nhưng sau đó lại có thời gian lắng xuống. Khoảng 2 năm trở lại đây, xu hướng mặc cổ phục được phục hồi. Điều này phần nào cho thấy việc sử dụng chất liệu văn hoá dân gian trong các sáng tạo của những người trẻ thường mang tính xu hướng, tính bền vững chưa cao.
Để khai thác yếu tố văn hoá dân gian trong các sáng tạo đạt hiệu quả và có tính bền vững hơn, các khách mời cũng đưa ra những kiến giải riêng, trong đó, các ý kiến đồng tình quan điểm, khi ứng dụng các yếu tố nguyên bản của văn hoá dân gian vào sáng tạo mới cần phải chú ý đến việc đơn giản hoá chi tiết.
Theo kiến trúc sư Lại Thành Tín, văn hoá dân gian có sự liên hệ mật thiết với lịch sử và từng câu chuyện cụ thể. Khi sử dụng chất liệu dân gian vào sáng tạo mới, không nên “tham lam” đưa nhiều câu chuyện mà cần có sự chọn lọc chi tiết để đưa vào sáng tạo cụ thể, làm nổi bật ý tượng của cá nhân. Bên cạnh đó, các khách mời cũng đề cao tính sáng tạo cần phải dựa vào sự hiểu biết để tránh vận dụng sai, có thể tạo ra sản phẩm lỗi về “phông văn hoá”.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/thach-thuc-trong-viec-dua-van-hoa-dan-gian-vao-cac-sang-tao-moi-684081.html