Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hà Nội dự và dâng hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Phát biểu khai mạc ngày hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô.
“Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của thủ đô và đất nước ngày 10-10-1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng.
Kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta” – chủ tịch Hà Nội gợi mở về ngày hội.
Đồng thời ngày hội còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người” – người đứng đầu UBND TP bày tỏ.
Những hình ảnh Hà Nội 70 năm trước trong Ngày Giải phóng được tái hiện tại hồ Gươm sáng 6-10:
10.000 người tham gia sự kiện đón đoàn quân giải phóng
Theo UBND TP Hà Nội, ngày hội được tổ chức tại hồ Gươm có khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn – gồm nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế.
Ngoài điểm nhấn là thời khắc quân Giải phóng tiếp quản thủ đô, ngày hội còn tái hiện những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản thủ đô. Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10-10-1954, sẽ được tái hiện rõ nét trên sân khấu của ngày hội.
Sân khấu chính của sự kiện được dàn dựng công phu tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, tái hiện lại các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng gắn liền với thủ đô như cửa ô Hà Nội, cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), cầu Long Biên và cột cờ Hà Nội.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tai-hien-thoi-khac-ha-noi-rop-co-hoa-don-doan-quan-giai-phong-70-nam-truoc-20241006100259121.htm#content-5