Với không gian độc lạ, quán bún riêu nằm cuối ngõ Lương Sử còn thu hút đông đảo thực khách vì hương vị và cách phục vụ chỉn chu.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh quán bún riêu với kiểu trang trí mang nét cổ điển, gợi nhắc đến một nhà hàng cho giới quý tộc xưa. Đó chính là quán Bún Ziu Gánh – cô Yến, một địa chỉ quen thuộc của người sành ăn trong phố cổ từ mấy chục năm trước.
Quán bún riêu nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng vẫn thu hút nhiều khách đến thưởng thức. Ảnh: Bún Ziu Gánh
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ đầu phố Quốc Tử Giám, quán nổi bật dù chỉ có không gian khiêm tốn. Vừa bước vào, thực khách sẽ bất ngờ với tiếng nhạc nhẹ thư giãn cùng những đồ trang trí lạ mắt bằng gỗ và gốm sứ. Từ những bức tranh lớn treo trên tường đến những đồ vật nhỏ như bình hoa, tượng, ống đựng đũa, hũ đựng ớt chưng… vừa mang nét cổ kính, vừa có sự hiện đại.
Cách trang trí độc đáo, lạ mắt của quán khiến thực khách thích thú. Ảnh: Thanh Hải
Anh Hoàng Minh Việt (45 tuổi), chủ quán, chia sẻ: “Ban đầu không gian này được trang trí để làm phòng khách cho gia đình ở, giờ sửa thành nơi bán hàng. Trước đây trong phòng còn có cái sập và cái đi-văng, nhưng tôi bê đi chỗ khác để lấy không gian cho khách ngồi”.
Anh Việt cho biết chủ quán ban đầu vốn là bà Yến, mẹ vợ của anh. Bà Yến bán bún riêu gánh từ những năm 1991, đến năm 1994 thì bán cố định tại phố Hàng Bún. Sau này bà truyền lại nghề cho con và tự bán tại cơ sở ở Hàng Khoai.
“Giờ mẹ tôi lớn tuổi rồi, cũng không thể ngồi vỉa hè bán mãi được, nên tôi khuyên bà chuyển về đây”, anh nói.
Chủ quán cho biết đây vốn là không gian phòng khách của gia đình anh, được cải tạo lại thành nơi bán hàng.
Khi biết quán nổi tiếng trên các trang mạng xã hội và được gọi với những cái tên như “bún riêu quý tộc”, “bún riêu fancy”…, anh Việt khá bất ngờ vì bản thân anh chưa từng nghĩ đến điều này.
Ngoài ra, anh cũng cảm thấy vui vẻ và biết ơn vì tình cảm của thực khách: “Tôi thấy mọi người đặt nhiều cái tên hay cho quán. Tôi chỉ biết cười vui, vì đó là cảm nhận của mọi người, mình rất trân trọng”.
Bên cạnh không gian độc lạ, điều thu hút thực khách đến quán vẫn là hương vị bún riêu Hà Nội. Một bát bún riêu đầy đủ tại quán có bún, nước dùng, hành tươi, hành khô, riêu cua, đậu rán, ốc, giò tai nấm hương, chả cá Hải Phòng, bò tươi và bò chả viên. Ngoài hai nguyên liệu chính không thay đổi là riêu cua và đậu rán, thực khách có thể gọi thêm số lượng topping tùy thích.
Nước dùng bún riêu có vị chua nhẹ từ giấm, thanh và rất vừa miệng. Anh Việt khẳng định quán chỉ thêm dầu điều nên nước dùng ánh sắc đỏ cam đẹp mắt tự nhiên.
Một bát bún riêu đầy đủ có có bún, nước dùng, hành tươi, hành khô, riêu cua, đậu rán, ốc, giò tai nấm hương, chả cá Hải Phòng, bò tươi và bò chả viên.
Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn của ốc, dai dai của chả cá, mùi tiêu thơm đặc trưng của viên giò bò và đặc biệt là vị gạch cua đậm.
“Những nơi khác có thể pha đậu vào gạch để tạo độ xốp và đầy đặn hơn, nhưng nhà tôi chỉ giữ gạch cua nguyên chất nên khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị cua rất rõ”, anh Việt chia sẻ.
Chủ quán khẳng định bún riêu tại quán không có công thức quá cầu kỳ mà chủ yếu đến từ sự cảm nhận của chính bản thân người đứng bếp là bà Yến.
”Cô Yến sinh ra ở Hàng Chiếu, là người Hà Nội gốc. Cái vị mà cô ăn ngấm vào từ ngày xưa thì cô cứ nấu sao cho giống với nó và cảm thấy hài lòng. Nói chung tôi thấy dân phố cổ là như thế. Họ làm bản thân họ ăn thấy ngon là được. Điều đó đúc kết từ nhiều đời”, anh Việt kể.
Thường ngày, bà Yến sẽ là người chịu trách nhiệm nấu nước dùng, chế biến các nguyên liệu, còn lại những công việc khác như bốc đồ, phục vụ… do anh Việt cũng như nhân viên trong quán phụ trách.
Bún tại quán được đánh giá có hương vị chuẩn bún riêu Hà Nội truyền thống. Ảnh: Thanh Hải
Ngoài bún, quán có bánh đa nếu thực khách yêu cầu. “Quán chủ yếu bán bún, thỉnh thoảng khách yêu cầu bánh đa. Đặc biệt, khi khách Tây vào quán thì tôi luôn gợi ý nên ăn thử bánh đa và ai ăn xong cũng khen đây là món ngon nhất từng ăn ở Việt Nam”, anh nói.
Theo anh Việt, trung bình một ngày quán bán được khoảng hơn 100 suất, nhiều hơn vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ.
Khi mở quán ở nhà, anh Việt tâm niệm không chỉ bán hương vị mà còn bán cả không gian, cung cách phục vụ. Chính vì vậy, vào thời điểm danh tiếng của quán bùng nổ trên các trang mạng xã hội, anh quyết định tạm đóng cửa vì không thể đảm bảo chất lượng phục vụ với lượng khách quá đông.
“Mình không phục vụ kịp, khách vào sẽ có trải nghiệm không tốt. Hôm ấy tôi cũng phải đấu tranh nghỉ bán để đợi qua trend (xu hướng). Tôi không muốn nhận khách mà để họ phải chờ quá lâu, chính họ sẽ sốt ruột mà khách đang ăn cũng không được tự nhiên”, chủ quán cho biết.
Chủ quán khẳng định luôn muốn đem đến cho thực khách sự phục vu tốt nhất.
Hiện tại, quán có 2 cơ sở tại ngõ Lương Sử (phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) và phố Hàng Bún (quận Ba Đình). Nếu muốn thưởng thức bún trong không gian “quý tộc” độc đáo, thực khách có thể ghé cơ sở gần Quốc Tử Giám, giờ mở cửa từ 10h – 21h. Bún có giá khoảng 30.000 đồng – 55.000 đồng/bát, tùy yêu cầu của thực khách.
Thanh Hải
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/am-thuc/quan-bun-rieu-quy-toc-doc-nhat-vo-nhi-o-ha-noi-1415247.html