Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay như vậy khi phát biểu giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Nhiều ý kiến đại biểu trước đó tập trung vào giải pháp làm sao để tăng thu ngân sách, chống thất thu, nhất là trong lĩnh vực quản lý thuế đối với việc mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết: “4 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng là giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng chi ngân sách để thúc đẩy nền kinh tế.
Dù vậy thu ngân sách trong 4 năm vẫn vượt thu gần 1 triệu tỉ đồng. Số tiền vượt thu này được sử dụng để làm đường cao tốc, sân bay, chăm lo an sinh xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng…”.
Theo ông Phớc, để thu vượt 1 triệu tỉ, cả ngành thuế và hải quan phải thay đổi toàn diện phương thức thu, từ thu thủ công chuyển sang phương thức thu điện tử. Do vậy mới có việc phát hành hóa đơn điện tử, hóa đơn may mắn, kết nối dữ liệu tính tiền…
Ngoài ra các ngành còn yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần tính tiền đối với cả hệ thống xăng dầu, cũng như thu thuế đối với hoạt động sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn thương mại điện tử trong nước, thuế bất động sản một giá và các nguồn thu khác nên mới đạt được kết quả như vậy.
“Các ngành còn thay đổi quan điểm về thu, như vấn đề thu nhập từ cổ phiếu trước đây sau khi phân bổ cổ phiếu bán ra có tiền mới thu, bây giờ đã có thu nhập là phải thu. Tăng thu như vậy nhưng đồng thời Quốc hội, Chính phủ đã giảm thuế gần 800.000 tỉ cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay năm thứ 5 về giảm thuế, đây là những giải pháp điều hành chính sách tài khóa hiệu quả”.
Nói về chống thất thu thuế sàn thương mại điện tử, ông Phớc cho biết hiện nay đã thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và có 102 nhà cung cấp nước ngoài (doanh nghiệp công nghệ thông tin) đã nộp thuế, với số tiền trên 18.600 tỉ đồng.
“Riêng sàn thương mại điện tử trong nước, năm nay (năm 2024) sẽ bắt đầu thu, riêng TP Hà Nội đã thu được 35.000 tỉ, và trong tuần sau sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử”, ông Phớc nhấn mạnh.
Phát biểu trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Chính phủ và các ngành quan tâm tăng thu ngân sách, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo ông Ngân: “Vừa qua Luật Quản lý thuế có quan tâm đến lĩnh vực này và tôi đề nghị quan tâm hơn nữa đối với thuế nhập khẩu các mặt hàng thương mại điện tử vì khi thu được khoản này, chúng ta sẽ tăng được đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng Internet để các giao dịch thuận lợi hơn”.
Khuyến khích bộ, ngành, địa phương tiết kiệm tiền đi nước ngoài, công tác phí
Giải trình, làm rõ một số vấn đề khác đại biểu quan tâm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu vấn đề tiết kiệm chi, tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu tiết kiệm ở sự nghiệp kinh tế, đô thị, mua sắm, công tác phí hội nghị và các mua sắm nhỏ…
Còn lương và phụ cấp gần như không tiết kiệm được. Trong khi đó, định mức chi đã được Chính phủ ban hành từ đầu năm.
Ông Phớc nêu ví dụ về định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế như vậy, quy định dưới 100 biên chế định mức phân bổ là 70 triệu đồng/biên chế; dưới 500 biên chế và trên 100 biên chế định mức phân bổ là 65 triệu; dưới 1.000 biên chế là 61 triệu/biên chế và trên 1.000 biên chế thì định mức phân bổ còn 57 triệu đồng.
“Thực tế tiền lương đã chiếm 45%, còn lại là các khoản chi khác. Trong nhiệm kỳ quy định giảm 10% tiết kiệm chi thường xuyên từ khi giao dự toán. Tiếp đó là giảm tiếp 5% nữa trong tiết kiệm chi thường xuyên.
Trong báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính đã nêu tình hình thu chi của các bộ, ngành. “Định mức ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một loạt chính sách, kể cả nâng lương nhưng định mức chưa thay đổi”, ông Phớc cho hay.
Bên cạnh tiết kiệm chi thường xuyên, Phó thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm khoản chi khác như đi nước ngoài, công tác phí…
Trong năm nay, Chính phủ đã trình giảm tiết kiệm chi thường xuyên của cả nước là 7.000 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng ở ngân sách trung ương và 5.000 tỉ đồng ở ngân sách địa phương.
Hiện nay Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay việc này được tái khởi động, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-tuan-sau-ra-mat-cong-cu-ai-kiem-soat-doanh-thu-san-thuong-mai-dien-tu-20241105110850375.htm