Thành phố Hà Nội hiện đại vẫn luôn có nhu cầu rất lớn là bảo lưu những tích lũy đô thị cả về vật chất lẫn văn hóa, tinh thần…, coi đó như một tài nguyên nhân văn, làm nên dấu ấn một đô thị tinh hoa.
Khai thác các không gian di sản thành không gian sáng tạo
Hà Nội – nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, thu hút khách thập phương, người tài tứ xứ về đây lập nghiệp. Kiến trúc của Hà Nội cũng phản ánh đa dạng quá trình phát triển của mảnh đất kinh kỳ từ xưa đến nay, với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, tạo thành một yếu tố quan trọng cho diện mạo đô thị. Nhắc đến phố cổ Hà Nội thì phải nhắc đến những ngôi nhà cổ “mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm”. Mặc dù những ngôi nhà cổ hiện nay còn lại rất ít nhưng hình thái kiến trúc phố cổ Hà Nội vẫn còn giữ được qua cấu trúc phố xá với những đường nét cơ bản.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn di tích cho rằng: Trong cấu trúc đô thị rộng 88ha mà có đến cả trăm công trình tín ngưỡng tôn giáo tâm linh, là hình ảnh nối tiếp từ những đình chùa miếu mạo từ nông thôn còn ở tình trạng khá tốt và còn có thể bảo lưu được – là điều đặc biệt của Hà Nội.
Trong hơn 10 năm qua, không ít các công trình tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong vùng lõi nội đô lịch sử đã được đầu tư trùng tu một cách bài bản và đưa vào phục vụ du lịch, kết nối thành không gian sáng tạo. Không gian các đình tổ nghề như đình Tú Thị, đình Hà Vỹ, đình Trung Yên, đình Nam Hương… đã được thổi một luồng gió mới với các triển lãm, sắp đặt có sự tham gia của đông đảo học viên, sinh viên các trường nghệ thuật. Tiêu biểu là chuỗi sự kiện trong dự án “Đình trong phố”, đưa nghệ thuật trở về với những ngôi đình trong phố cổ, tạo nên những cuộc “đối thoại” giữa quá khứ và hiện tại, nối dài nguồn cảm hứng sáng tạo của những người nghệ nhân xưa.
Sau khi được trùng tu, đình Tú Thị – nơi thờ ông tổ nghề thêu đang là nơi trưng bày hai tác phẩm sắp đặt “Giao hòa 1” và “Giao hòa 2” của họa sĩ trẻ Trần Thị Hội, với ý tưởng về tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân làng nghề thêu.
Mới đây, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm, nghệ sĩ lưu trú chương trình “Tơ óng – Màu cây, Đường thêu nét nhuộm xưa nay”, đã trực tiếp thực hiện những đường thêu tỉ mỉ với các họa tiết dân gian trong không gian đượm màu tâm linh của đình Tú Thị. Hoạt động nghệ thuật này mang đến một làn gió mới, thông qua những câu chuyện thảo luận, giúp cho các bạn trẻ và du khách tìm hiểu kỹ hơn về nghề thêu.
Câu chuyện khai thác không gian đình tổ nghề, mang đến du khách những trải nghiệm mới mẻ còn diễn ra tại đình Hà Vỹ, đình Nam Hương, đình Yên Thái, đình Trúc Lâm… Dự kiến, các triển lãm trong mỗi ngôi đình sẽ được thay mới mỗi quý và tiếp tục được mở rộng ra hàng chục ngôi đình trong phố cổ, gắn kết với những không gian di sản văn hóa nghệ thuật khác như Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hội Quán Quảng Đông xưa), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, cùng với các không gian nghệ thuật công cộng như Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, Phúc Tân… Quận Hoàn Kiếm đã và đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành Quận nghệ thuật và di sản của Hà Nội, góp phần đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo.
Chuyển hóa mềm phần lõi nội đô
Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích lên tới hơn 3.359km2, có những khu đô thị phát triển mang tầm quốc tế. Nhưng điều đáng nói trong chiến lược phát triển thành phố chính là việc làm sao để giữ gìn được những nét tinh hoa, mang tính bản sắc của phần lõi đô thị.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng nói: “Chúng ta có thể gọi khu phố cổ Hà Nội là một di tích như nó được công nhận nhưng đây không phải di tích mà là một di sản đô thị sống động, đòi hỏi vừa giữ gìn, bảo tồn đồng thời có sự phát triển tiếp nối hoàn toàn tự nhiên”.
Có thể hiểu, những nỗ lực của UBND quận Hoàn Kiếm trong việc trùng tu, giải phóng mặt bằng, tu bổ các cụm, điểm công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng để người dân và du khách đến với phố cổ được trải nghiệm, tìm hiểu những câu chuyện sâu xa về đình tổ nghề, về các làng nghề truyền thống, tham gia các hoạt động sáng tạo trong chính những không gian mới được “hồi sinh” là điều cần thiết, góp phần gìn giữ những “giá trị mềm” trong không gian di sản.
Bên cạnh đó, một di sản đô thị sống động còn là nơi gìn giữ nếp sống, nếp ăn ở, cư xử, từ lời ăn tiếng nói, từ cách ứng xử nhã nhặn, tinh tế, trọng chữ tín, lối sống khiêm nhường…, góp phần làm nên linh hồn phố cổ. Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ đến người bạn là kiến trúc sư, gia đình ở phố cổ, nhiều đời làm nghề buôn bán.
Cách đây mấy năm, anh chuyển cả gia đình ra ngoại thành, chính xác là về quê, những mong bố mẹ mình có khoảng không gian nghỉ ngơi thoáng đãng hơn, gần anh em, làng xóm. Mặc dù vậy, bố mẹ anh lại cảm thấy nhớ phố, không quên được tiếng rao, buổi họp chợ và những nếp sinh hoạt thường ngày của phố cổ. Thế là, anh lại sửa sang ngôi nhà cũ của gia đình trên phố Hàng Đường, đón bố mẹ về lại. Hỏi ra, mới biết ngày nào các cụ cũng thích đi chợ, thích được nói chuyện, gặp gỡ người quen, mua hàng thì ít mà hỏi thăm nhau thì nhiều. Vậy mới biết, nếp sinh hoạt xưa khó quên, khó bỏ, sự giao lưu gặp gỡ cũng tạo thành một nếp sống thường nhật mà đi xa luôn thấy nhớ.
Hà Nội đang phát triển từng ngày, song hành với sự hiện đại, cần nhận diện các giá trị cốt lõi, không thể để một thành phố với nhiều tài nguyên di sản lại thiếu đi tinh hoa. Muốn vậy, những giá trị tốt đẹp của văn hóa, nếp sống đặc trưng, làm nên sự văn minh, thanh lịch cần được gìn giữ và lan tỏa ra bên ngoài, từ vùng lõi nội đô lan tỏa ra các khu đô thị mới. Từ lời ăn, tiếng nói, cách nói chuyện lễ phép, khiêm nhường, cách ứng xử đúng mực, mang nặng nghĩa tình, từ trong gia đình ra ngoài xã hội… tất cả phải có văn hóa. Bởi như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà là Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa, thanh lịch, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/pho-co-trong-hanh-trinh-chuyen-hoa-mem-691582.html