Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tham gia Diễn đàn đầu tư 2025, với chủ đề “Khai thông và bứt phá”, diễn ra vào hôm nay 8-11, do trang VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức.
Linh hoạt xử lý các vướng mắc cấp bách
Thông qua diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu – ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV – cho biết Quốc hội đang họp và thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2025, xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Về tình hình phát triển kinh tế xã hội, tính đến quý vừa qua đã đạt 14/15 chỉ tiêu, dự kiến hoàn tất chỉ tiêu còn lại trong năm nay. Đây là điều tích cực khi năm ngoái chỉ xong 10/15 chỉ tiêu. Song song đó, Chính phủ đang rất mong muốn vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội đề ra.
Về thể chế, trong kỳ họp này Quốc hội dự kiến thông qua 19 luật và nghị quyết mang tính quy phạm phát triển kinh tế xã hội, cũng như thảo luận cho ý kiến 12 dự án luật và nghị quyết khác.
Ông Hiếu nhận định công việc cải cách thể chế hiện mang tính linh hoạt, quyết liệt và đảm bảo dung hòa hơn giai đoạn trước. Nỗ lực vào cuộc xử lý ngay các vướng mắc mang tính cấp bách.
Riêng vấn đề cấp thiết nhưng chưa đủ cơ sở thành luật, Quốc hội áp dụng khái niệm: nghị quyết thí điểm. Chẳng hạn, đang xem xét nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại, trong trường hợp chủ đầu tư nhận quyền sử dụng đất từ bên khác hoặc đang có quyền sử dụng đất. Thí điểm về xử lý tài sản vụ án dân sự, hình sự.
Về dự án đường sắt tốc độ cao, từ nay đến cuối năm Quốc hội sẽ thông qua việc thực hiện hay không. Tuyến này chiều dài 1.541km, tốc độ 350km/h. Bắt nguồn từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 địa phương, 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Kỳ vọng thúc đẩy kinh tế xã hội.
Phải giải quyết tình trạng kho bạc quá thừa tiền, thúc đẩy kinh tế Việt Nam
Dự báo về tình hình kinh tế năm 2025, ông Nguyễn Tú Anh – giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá chính sách tiền tệ Việt Nam, cho biết có nhiều động lực để bám vào.
Đầu tiên, năm tới là năm cuối của nhiệm kỳ 2021 – 2025, quyết tâm cao trong điều hành và tổ chức thực hiện. Lưu ý, nếu như lúc trước Việt Nam có mục tiêu tăng trưởng ổn định rồi nhanh, thì quan điểm mới hiện nay là: nhanh để ổn định. Đồng nghĩa chấp nhận rủi ro cao hơn, điều chỉnh mức lạm phát lên mức 4,5%, thay vì 4%.
Tiếp đến, ông Tú Anh đưa ra thực trạng: “Nền kinh tế đang thiếu vốn, tiền chúng ta có nhưng không ra được”. Có 1 triệu tỉ đồng đang tồn ở Kho bạc Nhà nước.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhấn mạnh việc chống lãng phí. Tức trường hợp các lãnh đạo sợ mà không làm, không giải ngân đầu tư công. “Chỉ ra dự án hàng chục năm chưa xong, còn lớn hơn tham nhũng”, vị chuyên gia cho hay.
Với quyết sách trên, kỳ vọng tiền đầu tư công ra nhanh, giảm tiền trong Kho bạc Nhà nước, từ đó tạo động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đầu năm đến nay khối ngoại rút ròng xấp xỉ 3 tỉ USD. Ông Lê Anh Tuấn – giám đốc khối đầu tư Dragon Capital – cho hay có một thực tế là nhiều bên dán nhãn cho Việt Nam tương đồng Trung Quốc. Tuy nhiên “thời gian tới nhà đầu tư quốc tế nhận thức chúng ta không giống Trung Quốc”.
Do đó, khả năng thị trường chứng khoán nước ta sẽ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào tháng 3-2025, sớm hơn mốc tháng 9-2025. Dù vậy, diễn biến dòng vốn ngoại vào sàn chứng khoán Việt Nam còn phụ thuộc vào các quyết sách của Tổng thống Donald Trump, dự kiến giữa năm tới mới rõ nét.
Ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam – cho biết kinh tế Việt Nam có độ mở, xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP, nên khi có những khó khăn về chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, thị trường Việt Nam sẽ phải đối mặt thách thức.
Vì vậy bên cạnh phát huy lợi thế về kinh tế đối ngoại, cần tập trung kích cầu nội địa, tạo thế vững vàng hơn.