Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về giải pháp, kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cao điểm đón khách Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Du lịch Hà Nội có thể “về đích” sớm
– Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã gần đạt mục tiêu đề ra về mục tiêu đón khách du lịch năm 2024. Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện của Thủ đô từ nay đến cuối năm?
– Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với năm 2023, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú), tăng 25% so với năm 2023. Ngành cũng đặt mục tiêu đón 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2023.
Đến nay, qua hơn 10 tháng, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 23,11 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023, gần bằng mục tiêu đề ra. Trong đó, khách du lịch quốc tế đã chạm mức 4,95 triệu lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 90,065 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội vào “mùa vàng” cao điểm đón khách, nhất là khách quốc tế, vì thế, tôi tin Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra.
– Du lịch Thủ đô năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh, đáng chú ý là lượng khách quốc tế tăng cao. Theo đồng chí, thị trường du lịch quốc tế tại Hà Nội trong năm qua có gì nổi bật so với những năm trước?
– Lượng khách đến Hà Nội từ nhiều quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ, như Hàn Quốc tăng 9,9%, Trung Quốc 70,5%, Mỹ 21,6%, Nhật Bản 25,5%, Anh 38,9%, Pháp 51,5%, Đức 45,4%, Canada 25,5%… Đáng chú ý là việc Hà Nội đã đón những đoàn khách quốc tế lớn, như đoàn gồm gần 5.000 khách Ấn Độ – một thị trường mới nhưng có sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đón tiếp những đoàn khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, khen thưởng) nhưng hoạt động này thêm một lần nữa khẳng định sức hút của du lịch Hà Nội. Năng lực tổ chức, dịch vụ của thành phố có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao, là trung tâm du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm của cả nước.
– Từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội bước vào mùa cao điểm đón khách, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngành Du lịch Thủ đô chuẩn bị những sản phẩm gì để hấp dẫn du khách hơn?
– Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, du khách có thể tham quan trải nghiệm các hoạt động vui đón Tết tại các điểm như: Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội; di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Tại đây sẽ có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Hội chữ Xuân, trưng bày Tết truyền thống, các sự kiện “Countdown” chào năm mới. Ngoài ra, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình du lịch đêm với hơn 20 sản phẩm như: Tour du lịch “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tour đêm “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn…
Để tránh tình trạng ùn tắc, quá tải khách cục bộ ở các điểm du lịch khu nội đô vào dịp Tết, ngành Du lịch hướng du khách trải nghiệm, du lịch ở ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, Sở Du lịch đang phối hợp với các địa phương phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, nổi bật là tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức với chủ đề “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”; điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền (huyện Ba Vì); sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản – di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng…
Nâng cao chất lượng, tăng nguồn thu
– Chuẩn bị đón năm mới 2025, ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón bao nhiêu du khách trong năm tới, thưa đồng chí?
– Năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút hơn 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với con số ước thực hiện trong năm 2024, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế và 23 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú đạt trên 64%.
– Bức tranh du lịch Việt Nam có sự khởi sắc và du lịch Thủ đô đang là một trong những điểm sáng. Tuy nhiên, con đường phía trước chắc chắn sẽ còn khó khăn, đồng chí có thể chia sẻ về điều này?
– Mặc dù có những thuận lợi và khởi sắc nhất định, xong ngành Du lịch còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, như thiên tai bão, lũ, thời tiết bất thường có thể xảy ra. Ngoài ra, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu du lịch suy giảm do nhiều người thắt chặt chi tiêu. Việc khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch chưa xứng với tiềm năng; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu sản phẩm du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp du lịch lớn, có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế; hệ thống cơ sở lưu trú còn hạn chế, tỷ lệ cơ sở đạt chuẩn từ 3-5 sao còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày…
– Từ những nhận định này, trong thời gian tới ngành Du lịch Thủ đô có định hướng phát triển như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra, thưa đồng chí?
– Ngành Du lịch Thủ đô hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, cả về quy mô và chất lượng. Chúng tôi hướng đến cơ cấu nhóm khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp, phát huy thế mạnh của du lịch đô thị, du lịch MICE. Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, giữ vững vị thế trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Để thực hiện chiến lược nói trên, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử riêng có, độc đáo và khác biệt, các sản phẩm mới có sức hút với từng thị trường khách mục tiêu; tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc sông Hồng, sông Đuống, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển một số mô hình du lịch nông nghiệp lựa chọn tại các huyện: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Quốc Oai…; phối hợp với một số địa phương phát triển mô hình không gian đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề; đưa vào hoạt động điểm đến du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi tại Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Bên cạnh các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, du lịch MICE, Hà Nội sẽ phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch golf, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng…; tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Bắc bộ, khu vực miền núi phía Bắc và các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tạo các liên kết tour, tuyến du lịch đặc sắc.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn: https://hanoimoi.vn/giam-doc-so-du-lich-ha-noi-dang-huong-giang-phat-trien-du-lich-thu-do-dat-ca-ve-quy-mo-va-chat-luong-dich-vu-685415.html