Ngày 17/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với Học viện Chính trị Công an nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới”.
Hội thảo nhằm làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự, không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; trên cơ sở đó rút ra những bài học, những giải pháp, gợi mở những vấn đề thực tiễn nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng đã vạch ra phù hợp với bối cảnh đất nước và thời đại hôm nay.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực Sử học, Khoa học Chính trị, Triết học, Văn hoá học, Xây dựng Đảng,… từ các cơ quan khoa học ở Trung ương cũng như một số địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong hoàn cảnh đất nước chịu cảnh “một cổ hai tròng” bởi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, với những chính sách văn hoá hết sức phản động, nhằm nô dịch lâu dài đất nước và con người Việt Nam.
Để chống lại chính sách văn hoá phản động đó, Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 25 đến 28/2/1943 đã ra chủ trương “gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc, chống lại văn hoá phát xít thụt lùi”. Căn cứ vào ý kiến hội nghị đã bàn bạc, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943.
Đề cương là ngọn đuốc soi sáng con đường văn hóa cách mạng, không chỉ mang tính định hướng, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và ý chí đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do.
Theo PGS.TS. Đinh Công Tuấn, trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước, lực lượng Công an nhân dân đã kế thừa tinh thần của Đề cương để đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch, phản bác những tư tưởng phản động và bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước những thách thức của thời đại.
Điều này không chỉ thể hiện qua những chiến công lịch sử, mà còn qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc bảo vệ an ninh văn hóa trước các vấn đề như “diễn biến hòa bình”, “xâm lăng văn hóa” trong thời kỳ toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ số.
Tại Hội thảo, trình bày tham luận với chủ đề “Giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 qua soi chiếu với thực tiễn hiện nay”, PGS.TS. Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, điểm nổi bật có tính trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là đề cập một cách toàn diện và sâu sắc vai trò, giá trị của văn hóa, các đặc trưng văn hóa Việt Nam, các nguyên tắc và định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Theo PGS.TS. Lê Hải Bình, một trong những điểm nổi bật của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là đề cập một cách toàn diện và sâu sắc các khía cạnh văn hóa và các đặc thù văn hóa dân tộc Việt Nam. Hơn 80 năm nhìn lại, ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học được Đề cương nhấn mạnh đã trở thành các nguyên tắc cơ bản, vừa là cơ sở, nền tảng, vừa là mục tiêu đạt tới trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung cốt lõi làm nên giá trị trường tồn của Đề cương.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 coi “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”, và khẳng định “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”.
Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng nêu rõ: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”, như vậy việc xây dựng nền văn hóa XHCN đã được dự báo từ năm 1943. Và trong hơn 80 năm qua, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, dưới nhiều cách thức, cách gọi khác nhau nhưng nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa XHCN đã được triển khai.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khi Đảng lãnh đạo đất nước đã thống nhất chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy dân chủ XHCN, thì việc định danh chủ trương xây dựng nền văn hóa XHCN cũng trở thành yêu cầu cấp bách, cho thấy sự phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa, quy luật vận động của đất nước, vừa thống nhất với chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Trung tướng Phan Xuân Tuy – Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nhấn mạnh, hơn 80 năm đã qua, song giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn tiếp tục tỏa sáng, vẹn nguyên giá trị để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có lực lượng Công an nhân dân (CAND), luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới.
Từ những chỉ dẫn nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, lực lượng CAND đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc kế thừa, triển khai tổ chức thực hiện nhằm phát huy những giá trị to lớn và quý báu, tính thời đại của bản Đề cương.
Theo Trung tướng Phan Xuân Tuy, thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bên cạnh những thuận lợi, còn đan xen nhiều khó khăn, thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là điều kiện thuận lợi để nước ta phát triển toàn diện hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng.
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng Công an trong thời kỳ mới đặt ra ngày càng cao và để quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, cần tiếp tục tiếp thu những chỉ dẫn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam cùng các quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các giá trị văn hóa CAND trong tình hình mới./.