Vấn đề này được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
1. Tại sao phải không ngừng đổi mới? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Đổi mới phải vì nước, vì dân. Đổi mới phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết hiệu quả những đòi hỏi của thực tiễn. Phải xác định rõ, đổi mới là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp.
Đổi mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển. Sức mạnh của đổi mới phải là từ nhân dân. Đảng là linh hồn của đổi mới, cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới.
Trải qua quá trình 95 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng ta không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Điển hình, để khắc phục những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới khủng hoảng kinh tế – xã hội những năm sau chiến tranh, Đảng ta đã đề ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Là đảng bộ lớn nhất với số đảng viên chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước, trong bất cứ giai đoạn nào, tinh thần đổi mới luôn được Đảng bộ thành phố Hà Nội thể hiện một cách mạnh mẽ. Đơn cử, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua các chủ trương quyết liệt, đụng chạm đến những lĩnh vực khó như phân cấp, ủy quyền; kiểm tra, giám sát; luân chuyển, điều động cán bộ; đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy. Triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được xem là việc mới và khó. Ấy vậy mà, nhờ phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn kịp thời, chỉ trong 6 tháng, thành phố đã hoàn thành việc di dời gần 10.000 ngôi mộ cùng một khối lượng công việc lớn để triển khai dự án đúng tiến độ.
Tinh thần đổi mới lan tỏa đến cơ sở, tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ của đội ngũ cấp ủy các cấp trong giải quyết công việc, nhất là các vấn đề dân sinh bức xúc. Đơn cử, ở quận Hoàng Mai, việc thiếu trường, thiếu lớp có thời điểm là vấn đề nóng. Nhờ các cấp ủy, nhất là người đứng đầu vào cuộc sát sao, định hướng cho các cấp chính quyền biện pháp giải quyết, tháo gỡ, Hoàng Mai đã bước đầu giải được bài toán thiếu trường, thiếu lớp, vơi đi nỗi lo cho mỗi gia đình.
Nhìn từ thực tiễn của quận Hoàng Mai, của Đảng bộ Hà Nội và rộng hơn nữa là của toàn Đảng, càng thấm nhuần sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng và quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt”, phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có khát vọng vươn lên, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, dám quyết liệt hành động vì lợi ích chung”.
2. Tại sao phải tự chỉnh đốn? Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Trong nhiều nghị quyết, Đảng ta đã khẳng định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn; thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ then chốt, sống còn ấy, Đảng ta đã tiến hành nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ. Trong đó, phương châm lấy “xây để chống”, lấy “chống để xây” được thực hiện một cách nhuần nhuyễn.
Một mặt, Đảng và Nhà nước kịp thời phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội, cơ chế, chính sách liên quan đến cán bộ… Mặt khác, Trung ương đã ban hành các quy định, quy chế để xử lý các mặt hạn chế, thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập, chế tài xử lý các vi phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 về “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, xây dựng văn hóa liêm chính, tránh xa cám dỗ vật chất, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Cùng với đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng được đẩy mạnh theo chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng, không ngừng, không nghỉ; đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng lên trên hết. Chỉ riêng việc xử lý các vi phạm liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Công ty AIC, Dự án Sài Gòn – Đại Ninh (Lâm Đồng), cơ quan chức năng đã khởi tố 44 bị can, trong đó có 10 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Riêng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đã khởi tố 8 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tự chỉnh đốn giúp cho đội ngũ của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; Đảng ngày càng khẳng định được uy tín, niềm tin trong nhân dân.
Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu… Để thực hiện sứ mệnh ấy, trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh bảy nhóm vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng hàng đầu là tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trong đó, Đảng phải không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để tiếp tục dẫn dắt dân tộc trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Góp phần thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ấy, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định không ngừng đổi mới, nâng cao trách nhiệm với công việc được nhân dân giao phó; tăng cường tu dưỡng, giữ gìn đạo đức cách mạng; luôn có ý thức tự soi, tự sửa, tự chỉnh đốn để xứng đáng với niềm tin của nhân dân; đóng góp tâm sức, trí tuệ cho đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/phai-khong-ngung-doi-moi-tu-chinh-don-692755.html