Thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, TS. Ngô Thị Huyền (SN 1984), giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), đã góp phần chuyển đổi số trong giáo dục.
Từ năm 2020, TS Ngô Thị Huyền bắt đầu quan tâm nhiều đến các công cụ số và thử nghiệm trong các tiết giảng. Chị thường chia sẻ kết quả ứng dụng qua các bài báo, tham luận tại các hội thảo.
Điển hình là nghiên cứu “Đổi mới phương thức giảng dạy các môn lý luận chính trị cho sinh viên các trường kỹ thuật trong bối cảnh chuyển đổi số” tại Hội thảo quốc gia do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2021. Nghiên cứu này nêu bật sự cần thiết và các nhân tố quyết định hiệu quả của việc chuyển đổi, đó là nhà trường, giảng viên và sinh viên.
Sau đó, TS Ngô Thị Huyền tiếp tục có một nghiên cứu khác, đó là “Chuyển đổi số trong giáo dục – từ quan điểm Đại hội XIII của Đảng đến quá trình dạy học các môn Lý luận chính trị tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay”. Nghiên cứu này bàn chi tiết hơn trên phương diện nội dung chương trình, phương pháp và phương tiện giảng dạy. Theo đó, lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào các bài học, tạo chuyển biến về nhận thức; phương pháp dạy học, đề tài chỉ ra phương pháp giúp giảng viên có thể ưu tiên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực (phương pháp làm việc nhóm, nêu vấn đề,…) nhằm phát huy tính tích cực của sinh viên, khuyến khích sinh viên tìm kiếm thông tin trên internet. Quá trình này giúp sinh viên hình thành kỹ năng chọn lọc thông tin, nhận diện được các kênh chính thống, đáng tin cậy, hình thành kỹ năng ứng xử trong môi trường số.
“Giảng viên cần nhanh chóng thay đổi phương tiện, phương thức dạy học dựa trên nền tảng số. Đối với các môn lý luận chính trị, ở cấp độ nhận thức từ 1 đến 3 theo thang đo Bloom (nhớ- hiểu- vận dụng), có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số như youtube, zoom, facebook, quizizz, socrative, kahoot,… Đối với cấp độ nhận thức từ mức 4 đến 6 của thang đo Bloom (phân tích – đánh giá – sáng tạo), các công cụ số thường được giảng viên ưu tiên lựa chọn là facebook, moodle. Cấp độ nhận thức này đòi hỏi sinh viên phải có khả năng phân tích, đánh giá vấn đề và sự sáng tạo”, TS. Ngô Thị Huyền cho biết.
Các đề tài được chị thường xuyên chia sẻ dưới dạng giải pháp thực tiễn. Cụ thể như 2021 với giải pháp “Giảm áp lực học tập các môn lý luận chính trị từ việc khuyến khích sinh viên làm tiểu luận bằng video phỏng vấn”, thay vì viết bài luận, sinh viên thực hiện bài tập bằng cách ứng dụng các công cụ số để thực hiện một bài tập dưới dạng video. Còn giải pháp “Áp dụng phương pháp học tập kết hợp để nâng cao hiệu quả dạy và học các môn lý luận chính trị tại Trường Đại học Lạc Hồng”, hoặc giải pháp “Ứng dụng phương pháp thực chiến trong tổ chức dạy, học các môn Lý luận chính trị”,… đều là kết quả của một quá trình thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai tại nơi chị làm việc.
Để đo lường mức độ hiệu quả, và đảm bảo tính khách quan, TS. Ngô Thị Huyền áp dụng các phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp định lượng. Việc quan sát có thể thấy được phản ứng của sinh viên đối với từng phương pháp, nhưng để biết mức độ đáp ứng của từng giải pháp và thuyết phục thì phải có các nghiên cứu định lượng. Sau mỗi giải pháp, tôi thường áp khảo sát sinh viên và đánh giá hiệu quả từ các số liệu thu thập. Từ thay đổi nhỏ, dần dần ứng dụng nhiều hơn, thực tiễn hơn ở các tiết học, phù hợp với các kiểu học tập khác nhau của từng nhóm sinh viên.
Xuất thân là dân khoa học xã hội và nhân văn, trước dịch Covid-19 bùng phát, các công cụ số mà Ngô Thị Huyền biết đến chỉ là zalo, facebook và chị sử dụng nó để giải trí là chính. Việc hiểu về các thuật ngữ mang tính công nghệ, kỹ thuật với chị không phải dễ dàng. Vì vậy, sau khi xem clip hướng dẫn mà vẫn không hiểu, hiểu không chắc chắn là chị lại hỏi thầy cô trong trường về các thuật ngữ. “Thuận lợi nhất là tôi luôn được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện để biến ý tưởng thành hiện thực, được sinh hoạt chuyên môn trong môi trường khai phóng, cởi mở của Việt Nam” – chị Huyền cho hay.
Dần dần, chị đã biết cách sử dụng các “tài nguyên số” để ứng dụng vào công việc dạy và học. Cũng chính từ đó, chị bắt đầu say mê nghiên cứu để đưa ra các giải pháp hữu hiệu, thực tiễn và có khả năng đáp ứng ngay công việc giảng dạy, mang lại hiệu quả truyền tải cao. Các đề tài nghiên cứu lần lượt ra đời, tuy nhiên, chị cũng cho biết, sử dụng công nghệ số là điều nên làm, nhưng cần tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ.
“Dù có tiên tiến cỡ nào, các công cụ cũng chỉ là phương tiện, hỗ trợ để công việc nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn chứ không thể thay thế thầy cô giáo. Bởi lẽ, dạy học là quá trình sáng tạo. Thay vì trang bị kiến thức, trong bối cảnh số, thầy cô đóng vai trò hướng dẫn, dẫn dắt người học đi tìm tri thức, thông qua kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư duy phản biện trước khối lượng thông tin khổng lồ như hiện nay”, TS. Ngô Thị Huyền lưu ý.
Ngoài công việc chính là giảng dạy Triết học tại Trường Đại học Lạc Hồng, TS. Ngô Thị Huyền còn còn giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Những nghiên cứu của chị đã thổi một luồng gió mới vào công tác giảng dạy tại Đồng Nai.
* Không chỉ nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến giảng dạy, TS Ngô Thị Huyền còn nghiên cứu các vấn đề về giáo dục, nhà nước, bình đẳng giới, triết học, tư tưởng Hồ Chí Minh,… và đến nay có khoảng 40 bài báo thuộc các lĩnh vực này.
* Chị từng nhận giải Ba “Giải thưởng Sản phẩm truyền thông Khoa học công nghệ Đồng Nai” năm 2023 và 2024. Chị cũng từng đạt giải Nhì cuộc thi tìm hiểu văn hóa – lịch sử tỉnh Đồng Nai. Năm 2024 chị nhận Bằng khen UBND tỉnh Đồng Nai cho những cống hiến của mình đối với những đóng góp cho công tác giáo dục và đào tạo.