Một ngày thu năm 2015, trong căn nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh), NSƯT Phi Điểu (sinh năm 1933) say sưa kể với chúng tôi về cuộc hôn nhân với người chồng tài hoa – cố nhạc sĩ Phan Nhân. Tập kết ra Bắc năm 1954, hai ông bà gặp nhau khi cùng công tác tại đoàn văn công. Những năm 1970, chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ leo thang, nhạc sĩ đi công tác triền miên, còn bà làm phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ nỗi niềm xa cách và khát khao ngày chiến thắng, cộng thêm việc chứng kiến trận chiến khốc liệt Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972, khúc tráng ca bất hủ “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân ra đời.
Trước đó 2 năm, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Hà Nội những đêm không ngủ” (1970) với nhịp điệu hùng tráng: “Đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng/ Lửa rực cháy sáng phố phường yêu dấu…”. Năm 1967, nhạc sĩ Văn An khích lệ quân dân Thủ đô bằng “Tiếng nói Hà Nội” (thơ Cảnh Trà) với những lời ca lồng lộng: “Tôi đứng đây, trên nhịp cầu Long Biên lộng gió/ Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn nghìn năm sóng vỗ…”, rồi bật trào đanh thép: “Hà Nội sắt son quyết tâm một lời thề”, “Giữ Thủ đô diệt tan quân cướp Mỹ”… Cũng những năm tháng đó, những câu hát “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử/ Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng, Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…” trong ca khúc “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh vang lên khắp mọi nơi.
Vừa quyết tâm chống chiến tranh phá hoại, vừa phơi phới khí thế xây dựng Thủ đô, vừa làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam – chính là tâm thế của Hà Nội thời chống Mỹ. Vì thế, bên cạnh những ca khúc hừng hực tinh thần chiến đấu còn có nhiều bài hát ngợi ca tinh thần dựng xây Thủ đô. “Bài ca xây dựng” (1967) của Phan Huỳnh Điểu lấy cảm hứng khi khu tập thể Kim Liên được xây dựng là một trong những ca khúc như thế.
Nếu bài hát về Hà Nội thời chống Mỹ thường là lời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu, thì thời chống Pháp đã xuất hiện những ca khúc mang tính dự báo. Ngày 10-10-1954, khi bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô đã có những câu hát trên nhịp hành khúc dẫn bước: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh”… Những lời ca đầy tính thời sự, ghi lại một thời điểm lịch sử là một dự báo sớm của Văn Cao, bởi ông sáng tác ca khúc này hồi tháng 4-1949.
Tương tự, ngay khi Hà Nội còn chìm trong khói lửa của ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tối 19-12-1946, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã sáng tác những ý nhạc đầu tiên trong trường ca “Người Hà Nội”. Tới Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, ông tiếp tục viết đoạn kết. Tác phẩm có nhiều ca từ dự báo chiến thắng như “ngày mai sáng láng”, “vang trời khải hoàn”, rồi cả đoạn: “Một ngày thu non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn lòng người/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phơi phới vàng sao”, “Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười…”.
Cuối 1953 đầu 1954, nhạc sĩ Hoàng Dương đã dâng tặng đời một ca khúc đậm tính khí nhạc: “Hướng về Hà Nội”. Nhiều ca khúc lãng mạn khác cũng ra đời thời điểm này. Một trong những tác giả tiêu biểu dòng ca khúc này là Đoàn Chuẩn – Từ Linh với các sáng tác trong khoảng 10 năm (1947 – 1957) như “Tình nghệ sĩ” (1947), “Thu quyến rũ” (1950), “Gửi gió cho mây ngàn bay” (1952), “Tà áo xanh” (1955), “Gửi người em gái miền Nam” (1957)…
Sau Hiệp định Genève năm 1954 đất nước chia cắt, nhiều nghệ sĩ đã giãi bày tâm trạng trong sáng tác của mình. “Gửi người em gái miền Nam” và “Nỗi lòng người đi” là hai trong số đó. Dù chung chủ đề phân ly nhưng ở hai góc độ khác nhau, “Gửi người em gái miền Nam” tác giả là người ở lại, trong khi “Nỗi lòng người đi” tác giả là người rời xa Hà Nội.
Đất nước thống nhất, các nhạc sĩ tiếp tục nguồn cảm hứng Hà Nội để cho ra đời nhiều ca khúc ý nghĩa. Vũ Thanh có “Hà Nội mùa thu”, Nguyễn Đức Toàn có “Hà Nội trái tim hồng”, Văn Ký có “Trời Hà Nội xanh”… Những năm 1980, Hà Nội tràn đầy sức sống mới trong âm nhạc, nổi bật là bài hát “Hà Nội những công trình” của Quốc Trường, với nhịp điệu sôi động, trẻ trung: “Bên nhau bên nhau xây đời/ Thắm thiết thắm thiết tiếng cười/ Ta đi muôn nơi xa vời/ Nhớ mãi nhớ mãi khôn nguôi/ Hà Nội đẹp mãi trong tim ta/ Như bài tình ca”.
Các ca khúc về Hà Nội xuất hiện trong thập niên 80 thế kỷ trước như “Nhớ về Hà Nội” (1983) của Hoàng Hiệp, “Tình yêu Hà Nội” (1984) của Hoàng Vân, “Nhớ mùa thu Hà Nội” (1985) của Trịnh Công Sơn… đã dần định hình tính trữ tình đặc trưng. Đáng chú ý, thời điểm này xuất hiện “hiện tượng” Phú Quang với “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ) củng cố vững chắc cho “trường phái trữ tình Hà Nội” trong ca khúc. Bên cạnh đó là một số ca khúc về Hà Nội mang đậm chất dân gian như “Chiều phủ Tây Hồ” (1984) của Phó Đức Phương, “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (1981) của Ngọc Khuê…
Những năm 1990, phong trào nhạc nhẹ phát triển mạnh mẽ. Những “Tháng Mười Hà Nội” (Trương Ngọc Ninh), “Hà Nội đêm trở gió” (Trọng Đài – Chu Lai), “Chiều Hà Nội” (Vũ Quang Trung)… “khoác thêm áo mới” cho ca khúc Hà Nội. Từ đây cho đến năm 2000 tiếp tục xuất hiện nhiều ca khúc hay và ý nghĩa về Hà Nội như “Truyền thuyết Hồ Gươm” (Hoàng Phúc Thắng), “Hà Nội linh thiêng hào hoa” (Lê Mây), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải – Bùi Thanh Tuấn)…
Bước sang thế kỷ XXI cho đến hiện tại, bên cạnh những đổi mới sáng tạo, nhìn chung các nhạc sĩ sáng tác về Hà Nội vẫn giữ được nét riêng kết nối từ các thế hệ đi trước. Có thể kể đến những tác phẩm “Những mùa đông yêu dấu” (Đỗ Bảo), “Phố không mùa” (Dương Trường Giang), “Hà Nội của tôi” (Tiến Minh), “Hà Nội 12 mùa hoa” (Giáng Son)… Ngoài ra có nhiều ca khúc trẻ trung như “Nồng nàn Hà Nội” (Nguyễn Đức Cường), “Hà Nội trà đá vỉa hè” (Đinh Mạnh Ninh)…
Một điều thú vị cũng cần nhắc tới, đó là có những tác giả chưa từng đến Hà Nội nhưng lại sáng tác về Thủ đô rất ấn tượng. Tiêu biểu là Trần Quang Lộc với ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” (1972), phổ từ thơ Tô Như Châu (sáng tác năm 1970). Thời điểm đó cả nhạc sĩ và nhà thơ đều sống ở miền Nam nhưng ca khúc có những khẳng định vị trí của Hà Nội, vị trí của hồn cốt dân tộc trong lòng người Việt: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”, “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Nghìn năm sau ta níu bóng quay về/ Ôi mùa thu của ước mơ”…
Khó có thể kể hết những ca khúc viết về Hà Nội trong gần 80 năm qua, nhưng rõ ràng nếu kết nối lại sẽ tạo nên một bức tranh bằng âm nhạc đầy ý nghĩa về lịch sử Hà Nội, về cốt cách, tâm hồn người Hà Nội và thể hiện tình cảm của cả nước dành cho Hà Nội. Đây thực sự là một di sản âm nhạc quý giá của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại mà không phải địa phương nào cũng có được.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhung-trang-su-ghi-bang-am-nhac-680721.html