Hình ảnh lũ học trò mấy chục năm trước hiện ra hăm hở, vui vẻ dắt tay nhau đi bộ đến nhà thầy, cô chúc mừng.
Nhiều năm làm biên tập ca nhạc thiếu nhi của chương trình “Những bông hoa nhỏ” của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi có nhiều dịp gặp gỡ với các nhạc sĩ viết cho thiếu nhi và nhận ra rất nhiều người trong số đó là thầy giáo. Tiếp xúc hằng ngày với trẻ thơ, hiểu được tâm lý lứa tuổi, sở thích, mong muốn của các em đã tạo cảm hứng, là động lực để các thầy giáo viết nên những bài hát, đầu tiên cho học sinh của mình, nhưng sau đó được lan xa, trở thành tiếng hát, lời ca của nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước.
Nhạc sĩ Hoàng Long cùng người em sinh đôi của ông – nhạc sĩ Hoàng Lân, là tác giả của nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi, cũng lại là những thầy giáo âm nhạc, gắn bó cả đời mình với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Hai ông sinh năm 1942 tại Sơn Tây, từ khi mới 15 tuổi đã có những sáng tác đầu tiên, được lớp thanh niên ngày ấy đón nhận nhiệt thành. Âm nhạc của Hoàng Long – Hoàng Lân luôn trong sáng, hồn nhiên, dễ nhớ, dễ thuộc được thiếu nhi nhiều thế hệ yêu thích. Hai bài hát “Bác Hồ – Người cho em tất cả” và “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” của hai nhạc sĩ nằm trong danh sách được bình chọn “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20” – cuộc bình chọn do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Báo Thiếu niên tiền phong, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 2000.
Nhạc sĩ Hoàng Long nhiều năm giảng dạy âm nhạc tại Cao đẳng Nhạc họa Bộ Giáo dục (nay là Đại học Nghệ thuật trung ương), Nhạc viện Hà Nội, làm công tác nghiên cứu về sư phạm âm nhạc phục vụ ở nhà trường phổ thông tại Viện Khoa học Giáo dục. Ông viết sách dạy âm nhạc, viết báo về các vấn đề âm nhạc… và cho đến nay tuy tuổi đã cao ông vẫn là chủ biên sách giáo khoa âm nhạc, nhiệt thành với việc truyền thụ những giá trị thẩm mỹ đến các lứa học sinh.
Nhạc sĩ Hoàng Lân cũng có nhiều năm giảng dạy tại Cao đẳng Nhạc họa Bộ Giáo dục, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (nơi ông đã từng là Hiệu trưởng của trường). Giống như người anh, ông viết khá nhiều sách báo về âm nhạc và luôn là một người tâm huyết trong việc gìn giữ và phát triển các bài hát thiếu nhi qua các hoạt động trong Hội Âm nhạc Hà Nội. Hai nhạc sĩ mãi luôn là những người thầy đáng kính của biết bao lớp giáo viên và học sinh vì sự tận tình, nhiệt huyết trong công việc thầm lặng, không thể đong đếm được của sự nghiệp trồng người.
Một trong những thầy giáo – nhạc sĩ có nhiều bài hát sống mãi với tuổi thơ là cố nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (1940 – 2015). Vốn là một thầy giáo dạy môn lịch sử nhưng rất yêu âm nhạc, ông đã tự học, không qua trường lớp nào và bắt đầu tập viết những bài ca nhỏ. Nhắc tới ông chúng ta nhớ ngay đến những giai điệu thật đẹp, lời ca giản dị, mộc mạc nhưng cũng thật thơ của “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, rộn rã, vui tươi của “Em bay lên trong đêm pháo hoa”. Hai bài hát đó cùng với “Tiếng chim trong vườn Bác” và “Tre ngà bên lăng Bác” đã có mặt trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là một trong ba nhạc sĩ có nhiều bài được bình chọn nhất cùng với nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Trong đội ngũ các thầy giáo – nhạc sĩ viết cho thiếu nhi còn nhiều tên tuổi khác mà các tác phẩm rất được phổ biến trong những năm 1980 – 1990. Đó là nhạc sĩ Lê Minh Châu, tác giả bài hát quen thuộc “Dàn đồng ca mùa hạ” (lời thơ của Nguyễn Minh Nguyên). Những đóng góp của thầy giáo – nhạc sĩ ấy về mặt tu chỉnh tài liệu giáo khoa về âm nhạc tại các trường sư phạm và trường phổ thông cùng các đồng nghiệp là những cống hiến đáng kể. Một điều thú vị ít người biết, con trai ông chính là nhạc sĩ Lê Minh Sơn với các sáng tác dân gian đương đại khá nổi tiếng hiện nay.
Nhiều lớp học trò vẫn nhớ tới những bài hát về mái trường, thầy cô với giai điệu da diết, đầy nhớ thương, trong sáng: “Chiều thu nhớ trường”, “Mùa xuân tình bạn”, “Bên nhau ngày vui”… Đó là những sáng tác của cố thầy giáo – nhạc sĩ Cao Minh Khanh (1945 – 2012), người có nhiều năm công tác tại Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn là một người chơi đàn guitar cổ điển, có lẽ bởi vậy mà các sáng tác của ông đậm nét giai điệu, dễ đi vào lòng người.
Một thầy giáo nữa có nhiều bài hát gắn liền với phong trào Đội Thiếu niên tiền phong như “Hoa thơm dâng Bác”, “Năm cánh sao vui”… là cố nhạc sĩ Hà Hải (1951 – 2020). Ông có nhiều năm dạy nhạc tại Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau này là chuyên viên văn hóa – văn nghệ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Những câu hát ngộ nghĩnh: “Hai vây xinh xinh, cá vàng bơi trong bể nước…” hay “Nhà em có con gà trống, mèo con và cún con…” từ những bài hát viết cho tuổi mầm non của ông được trẻ em đặc biệt yêu thích.
Có thể nói, những đóng góp của các thầy giáo – nhạc sĩ trong sự nghiệp phát triển các ca khúc thiếu nhi là không hề nhỏ. Các sáng tác ấy không những đem đến nhiều giá trị giáo dục thẩm mỹ cho các lớp học sinh, mà còn là những ký ức, những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời dưới mái trường. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhớ về những bài hát thân thương ấy, chúng ta trân trọng, cảm kích tới các tác giả gắn bó cả đời mình với nhà trường, với sự nghiệp giáo dục âm nhạc. Những lời ca, giai điệu ấy chắc chắn sẽ còn được ngân nga, sống mãi trong lòng tuổi thơ của hôm nay và cả mai sau.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhung-nguoi-thay-nhac-si-685464.html