Cột đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội được xây dựng cùng tòa nhà 75 Đinh Tiên Hoàng từ năm 1976, nhưng đến năm 1978 chính thức hoạt động. Đồng hồ có thiết kế 4 mặt, mỗi mặt rộng 4,5m2, kim giờ dài 1,35m, kim phút 1,65m.
12h trưa 2/9/1978, đồng hồ ngân lên âm điệu của bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Nó thường đánh nhạc vào 6h, 12h – 18h và chuông kêu từ 6h đến 22h hàng ngày. Hơn 45 năm qua, cột đồng hồ đặc biệt này đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là điểm giao thoa của 5 con phố nổi tiếng bao gồm Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Gai và Cầu Gỗ. Trước đây, khu vực này vốn là một bãi đất trồng dừa, được người Pháp trưng dụng để làm quảng trường trung tâm.
Năm 1907, các sĩ phu yêu nước đã xây dựng ngôi trường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục trên mảnh đất này để dạy chữ Quốc ngữ cho học trò. Năm 1954, người Pháp cho quy hoạch lại và xây dựng đài phun nước ở vị trí trung tâm quảng trường rồi trải qua nhiều sự thay đổi để có được diện mạo như ngày nay.
Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của Hà Nội. Đây là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945) của nhân dân Thủ đô, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến.
Hơn một thế kỷ qua, Bắc Bộ phủ – Nhà khách Chính phủ đóng vai trò như một “chứng nhân” bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (còn được gọi là Quảng trường 19-8) nằm ngay trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội, quận Hoàn Kiếm. Vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nổi dậy với cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.