Các trường chờ chỉ đạo của Sở GDĐT sau Thông tư bỏ thi tuyển vào lớp 6
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, nêu quan điểm, trường đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội. “Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Sở GDĐT, Bộ GDĐT trong công tác tuyển sinh. Về cơ bản, nhà trường luôn sẵn sàng các phương án tuyển sinh, đảm bảo minh bạch và công bằng”, ông Tùng cho hay.
Trong sáng 9/1, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã ra thông báo “khẩn” về tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026.
Nhà trường cho biết, theo tinh thần Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GDĐT, Hội đồng tuyển sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm tạm thời dừng nhận đăng ký dự tuyển vào lớp 6 năm học 2025-2026 đến khi nhận được hướng dẫn thực hiện thông tư từ Sở GDĐT Hà Nội và Phòng GDĐT Nam Từ Liêm.
Hội đồng tuyển sinh sẽ thông báo đến cha mẹ học sinh ngay khi có phương án điều chỉnh phương thức tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trường.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết: “Nhà trường sẽ họp bàn rồi đưa ra phương án tuyển sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành”.
Bà Nguyễn Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ) thông tin, trường đang xin ý kiến lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, về quy định tuyển sinh mới.
Lo lắng quá nhiều hồ sơ nộp vào trường
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Tuyển sinh vào lớp 6 hàng năm trường sẽ có 2 đợt khảo sát đánh giá năng lực và thi học bổng. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vừa ra Thông tư 30 nên nhà trường đang chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT”.
Băn khoăn về hình thức xét tuyển, bà Na cho hay: “Theo tôi, các trường công lập chất lượng cao chỉ lấy học sinh trên địa bàn thì việc xét tuyển là phù hợp. Còn các trường tư được quyền lấy học sinh ở các nơi thì có nhiều bất cập. Học sinh xin vào trường quá nhiều, cầu hơn cung, khiến các trường khó giải quyết số lượng hồ sơ này.
Cách đây 10 năm, Bộ đã có chủ trương không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Nhưng thực tế tại trường tôi, nếu xét mức điểm 100 cho 5 năm học đều đạt 10 thì số hồ sơ này đã lên tới 700, trong khi chỉ tiêu khoảng 500. Vậy chúng tôi dựa vào đâu để chọn học sinh này và loại học sinh kia?
Khi đó, các trường phải xét thêm các tiêu chí giải thưởng, huy chương. Với chúng tôi, học bạ đẹp và các giải này không đúng với thực tế, thực lực học sinh. Có năm xét tuyển vào lớp 6, khi vào học có nhiều học sinh thấp hơn mặt bằng chung, hổng kiến thức trong khi điểm học bạ tuyệt đối. Có em được cộng điểm huy chương về bơi lội nhưng ngã xuống nước lại kêu cứu hoặc có em giành Huy chương Vàng về hát nhưng lại là hát đồng ca. Việc xét tuyển dễ dẫn đến tình trạng cha mẹ học sinh thấy bất cứ kỳ thi nào cũng bắt con tham gia để lấy thành tích. Học sinh sẽ vô cùng áp lực, kéo theo nhiều hệ lụy. Trong khi đó, có những em đạt điểm cao trong bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào dù học bạ không hoàn chỉnh so với các bạn. Nếu xét tuyển em này sẽ trượt”.
Bà Văn Liên Na nêu ý kiến: “Mong Bộ GDĐT, Sở GDĐT có thêm chú thích dành cho các trường với lượng thí sinh đăng ký đầu vào quá nhiều so với chỉ tiêu. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng đạp đổ cổng trường hoặc nộp hồ sơ vào lúc 12h đêm như đã từng xảy ra”.