Tin mới y tế ngày 29/12: Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu vì uống Oresol không đúng cách
Việc sử dụng Oresol không đúng cách có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng và làm trầm trọng thêm tình trạng của trẻ, theo cảnh báo từ các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nhập viện cấp cứu vì uống Oresol không đúng cách
Gần đây, Khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do tiêu chảy cấp. Điển hình là trường hợp bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mất nước nặng và rối loạn ý thức.
Bệnh nhi ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Trước khi nhập viện, bé được chẩn đoán tiêu chảy cấp và được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, gia đình đã pha Oresol không đúng tỷ lệ, chỉ sử dụng nửa gói Oresol với 70ml nước thay vì pha với 200ml nước đun sôi để nguội như hướng dẫn trên bao bì.
Sau khi uống, tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng. Bé vào Khoa Cấp cứu trong trạng thái li bì, rối loạn ý thức. Xét nghiệm cho thấy bé bị mất nước nặng, rối loạn điện giải và tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu cao).
Ngay lập tức, các bác sỹ đã tiến hành điều trị bù nước và điều chỉnh điện giải cho bé. Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định và bé được xuất viện.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyên Tân Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, cho biết, tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng hơn ba lần/ngày. Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại các quốc gia đang phát triển.
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường là do virus như Rotavirus, Enterovirus, Norovirus, Adenovirus… Ngoài ra, còn có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, chế độ ăn uống không vệ sinh, hoặc do dị ứng thuốc.
Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm mất nước, với các dấu hiệu như khát nước, nôn mửa, đi ngoài, môi khô, mắt trũng, sụt cân. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Theo bác sỹ Nguyễn Tân Hùng, Oresol là dung dịch điện giải giúp bù nước và chất điện giải hiệu quả, được khuyến cáo dùng cho trẻ bị mất nước và điện giải do tiêu chảy, sốt cao…
Tuy nhiên, hiệu quả của Oresol chỉ đạt được khi pha đúng tỷ lệ. Sai lầm trong pha chế, như pha quá đặc hoặc quá loãng, có thể gây rối loạn điện giải nghiêm trọng, thậm chí tổn thương não hoặc tử vong ở trẻ nhỏ.
Để sử dụng Oresol đúng cách, cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Đọc kỹ hướng dẫn pha trên bao bì, tuyệt đối không ước lượng liều lượng.
Pha một gói Oresol với 200ml nước, không dùng dụng cụ không chính xác để đo nước. Cho trẻ uống Oresol từng thìa nhỏ (với trẻ nhỏ) hoặc từng ngụm (với trẻ lớn).
Sử dụng dung dịch trong vòng 24 giờ sau khi pha. Để phòng ngừa tiêu chảy cấp, cha mẹ cần chú ý: Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nước uống. Rửa tay cho trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và sử dụng nguồn nước sạch. Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ và cho trẻ tiêm các loại vaccine như Rotavirus.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không phải tất cả các trường hợp tiêu chảy cấp đều cần nhập viện. Đối với các trẻ bị tiêu chảy nhẹ, gia đình có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ.
Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu như sốt cao kéo dài không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn mửa và đi ngoài nhiều lần trong ngày, khát nước, ăn uống kém, phân có máu, bụng chướng, quấy khóc… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời.
Việc sử dụng Oresol đúng cách là rất quan trọng trong việc điều trị tiêu chảy cấp và giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Cha mẹ cần hết sức chú ý để tránh các sai sót nghiêm trọng khi sử dụng loại thuốc này.
Nguy cơ ngộ độc hóa chất ở trẻ em
Bệnh viện Trung ương Huế vừa thông báo về việc ra viện cho bệnh nhi P.T.Q., 8 tuổi, trú tại xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi được cấp cứu thành công do ngộ độc Abamectin.
Đây là một loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc vi khuẩn, thường dùng trong nông nghiệp để diệt các loại sâu bệnh hại cây trồng như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, và bọ xít.
Trước đó, bé Q. đã uống nhầm thuốc Abamectin được đựng trong chai nước ngọt Number 1, dẫn đến tình trạng nguy kịch: tím tái, ngừng tim ngừng thở, và nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, Abamectin hoạt động bằng cách ức chế dẫn truyền thần kinh qua thụ thể GABA, có thể gây tác dụng nghiêm trọng lên thần kinh và tim phổi, mà cho đến nay vẫn chưa có chất giải độc. Khi bị ngộ độc Abamectin, nạn nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, co giật, hôn mê sâu, chậm nhịp tim, suy hô hấp và nếu không được điều trị kịp thời, sẽ có nguy cơ tử vong.
Vị này cũng cảnh báo về việc ngộ độc Abamectin ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, đặc biệt là tại châu Á. Bác sỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về nguy cơ của loại thuốc trừ sâu này và cảnh báo các bậc phụ huynh không nên để thuốc trừ sâu, diệt cỏ lẫn vào các chai nhựa bắt mắt, dễ gây nhầm lẫn cho trẻ em, cũng như phải đảm bảo chúng không nằm trong tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng thông báo về việc Bệnh viện huyện Bình Chánh tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngộ độc hóa chất PAC (Poly Aluminium Chloride), một loại phèn nhôm được sử dụng trong các hệ thống lọc nước. PAC có thể làm tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc và cải thiện chất lượng nước, nhưng nếu tiếp xúc với cơ thể người, đặc biệt là qua hít phải hoặc nuốt phải, sẽ gây nguy hiểm.
Ngộ độc hóa chất có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, hoặc hóa chất công nghiệp.
Các triệu chứng ngộ độc hóa chất rất đa dạng, từ kích động, co giật, hôn mê đến ngừng thở và tử vong nếu không sơ cứu kịp thời. Những trường hợp này cần được xử lý cấp cứu nhanh chóng để giảm thiểu tác hại và cứu sống nạn nhân.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong quá trình sử dụng các hóa chất trong gia đình hoặc nông nghiệp, cần đặc biệt cẩn trọng, giữ chúng xa tầm tay trẻ em và đảm bảo rằng tất cả các chất độc hại được lưu trữ an toàn.
Mổ não thức tỉnh bằng robot AI: Cứu sống bệnh nhân, giảm rủi ro
Anh Trí, 39 tuổi, bất ngờ bị đau đầu dữ dội trong một cuộc họp tại cơ quan. Cố gắng trở về nhà, anh tự vào phòng nghỉ nhưng sau vài giờ, người vợ phát hiện anh nói đớ, liệt nửa người và không thể đứng dậy.
Ngay lập tức, gia đình đã gọi cấp cứu và anh được đưa vào viện. Tại đây, bác sỹ nhanh chóng xác định anh mắc phải chứng đột quỵ xuất huyết não nặng, nguy cơ tử vong hoặc liệt lâu dài rất cao nếu không được can thiệp kịp thời.
Khi nhập viện, anh Trí có huyết áp cao 170/110 mmHg, mức độ liệt nửa người trái lên tới 80%. Các bác sỹ nhanh chóng kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ (Stroke Code), thực hiện chụp MRI khẩn cấp, phát hiện khối máu tụ khoảng 30 ml tại vùng thái dương phải, chèn ép vào mô não lành và các bó sợi thần kinh.
Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nếu không can thiệp mổ ngay, khối máu tụ sẽ gây tổn thương nghiêm trọng hơn, đe dọa tới khả năng vận động và nói của bệnh nhân. Do đó, bác sỹ quyết định thực hiện một ca mổ khẩn cấp, sử dụng robot AI Modus V Synaptive, giúp bảo tồn chức năng thần kinh và cứu sống bệnh nhân.
Điều đặc biệt trong ca mổ này là sử dụng phương pháp mổ não thức tỉnh – một kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật thần kinh, trong đó bệnh nhân vẫn tỉnh táo và có thể tương tác với bác sĩ trong suốt quá trình mổ.
Đây là phương pháp được Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến nghị áp dụng trong điều trị đột quỵ xuất huyết não, giúp bác sỹ kiểm tra và đảm bảo không làm tổn thương các vùng chức năng quan trọng của não, đồng thời giảm nguy cơ viêm nhiễm và biến chứng từ thuốc gây mê.
Trước khi bắt đầu, êkíp bác sỹ sử dụng phần mềm mô phỏng của robot AI để xác định vị trí và phương pháp mổ chính xác. Sử dụng cánh tay robot gắn kính vi phẫu với khả năng tự động di chuyển và lấy nét 3D, bác sĩ tiếp cận khối máu tụ trong não bệnh nhân từ nhiều góc độ khác nhau.
Hệ thống robot liên tục phát tín hiệu cảnh báo, giúp bác sỹ điều chỉnh kịp thời khi có sự sai lệch trong quá trình mổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mô não lành và các sợi thần kinh.
Quá trình mổ được thực hiện trong khoảng 40 phút, nhanh hơn một giờ so với phương pháp truyền thống, giúp giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân.
Sau mổ, anh Trí tỉnh táo, vết mổ khô và sạch, không cần phải nằm phòng hồi sức. Đây là một trong những lợi ích lớn của mổ não thức tỉnh, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng, đồng thời giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Kỹ thuật mổ não bằng robot AI Modus V Synaptive đã được triển khai tại Bệnh viện này từ năm 2023. Sau một năm ứng dụng, hệ thống này đã thực hiện thành công hơn 100 ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não.
Đây là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào y học, mang lại hiệu quả cao trong việc cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu rủi ro từ các ca mổ phức tạp.
Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não cần được cấp cứu trong “giờ vàng” (6-8 giờ đầu) để tối ưu hóa cơ hội hồi phục, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc phát hiện và điều trị bệnh lý từ sớm để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao.
Theo bác sỹ Tấn Sĩ, phương pháp mổ não thức tỉnh kết hợp robot AI là bước tiến đáng kể trong y học, không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân mà còn giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật. Đây là một trong những giải pháp giúp cải thiện tỷ lệ sống sót và khả năng hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não.