Tin mới y tế ngày 10/9: Nhiều dịch bệnh tại Hà Nội có xu hướng giảm
Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà trên địa bàn TP.Hà Nội đều giảm so với tuần trước đó.
Nhiều dịch bệnh có xu hướng giảm
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 30/8 đến ngày 6/9), toàn TP ghi nhận 190 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 75 trường hợp so với tuần trước đó.
Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà trên địa bàn TP. Hà Nội đều giảm so với tuần trước đó. |
Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó, các quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh là Hà Đông với 35 ca, tiếp đến là Đan Phượng (26 ca), Nam Từ Liêm (12 ca), Phúc Thọ (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.737 ca sốt xuất huyết.
Ngoài ra, trong tuần ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm (giảm 6 ổ dịch so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 131 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 29 ổ dịch đang hoạt động.
Dù số ca bệnh có xu hướng giảm nhưng CDC Hà Nội nhận định, với điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều như hiện nay, nhất là sau cơn bão số 3 (Yagi) dễ phát sinh muỗi truyền bệnh saốt xuất huyết.
Thêm vào đó, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng có số mắc giảm trong tuần qua. Cụ thể, TP ghi nhận 30 trường hợp mắc (giảm 4 trường hợp so với tuần trước) và không có ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, TP có 1.909 trường hợp mắc tay chân miệng và 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1 bệnh nhân mắc ho gà (giảm 1 trường hợp so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 225 trường hợp mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó có 139 trẻ dưới 2 tháng tuổi (chiếm 61,7%); 42 trẻ từ 3-12 tháng tuổi (chiếm 18,7%); 19 trẻ từ 13-24 tháng (chiếm 8,4%); 16 trẻ từ 25-60 tháng (chiếm 7,1%)và 9 trường hợp trên 60 tháng tuổi (chiếm 4%).
Trong tuần tới, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý kịp thời, triệt để các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Đồng thời, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh. Mặt khác, triển khai các hoạt động xử lý dịch, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, TP ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván là nam bệnh nhân 47 tuổi (công nhân môi trường tại huyện Gia Lâm).
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố có 13 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như rubella, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận ca mắc trong tuần qua.
Trước đó tại nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh;
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh. Với các bệnh có vắc-xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Cụ thể, người dân hãy đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi để tạo miễn dịch chủ động; trong đó mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi 2 hoàn thành trước khi trẻ 24 tháng tuổi.
Ngoài ra, để phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Cảnh giác ngộ độc thực phẩm tấn công sau mưa bão
Bão số 3 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc rơi vào cảnh ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm môi trường sống ô nhiễm sau mưa bão, tạo nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các khu vực bị ngập úng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ngâm trong nước, bị ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
Các gia đình cũng cần chú ý thực hiện “Ăn chín, uống sôi”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập.
Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ chế biến thức ăn. Khi có một trong các biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khi bão lũ tan, chính quyền địa phương cần chủ động hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.
Cụ thể, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Ngoài Cloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới được uống.
Mặt khác, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng mưa bão để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Nhiều cơ sở y tế ở Quảng Ninh bị thiệt hại do bão số 3
Cơn bão Yagi đã khiến nhiều cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự trù cơ số thuốc, vật tư y tế, nhân lực đều được đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh của người dân.
Thông tin từ ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều bị thiệt hại gãy đổ cây xanh, vỡ kính một số toà nhà, hành lang, vỡ, hỏng cửa, trần một số phòng, khoa, hỏng hệ thống nội thất trong các phòng như điều hòa, tủ lạnh, ti vi, giường, bàn ghế, gián đoạn cung cấp suất ăn cho người bệnh…
Riêng Bệnh viện Đa khoa Hạ Long bị sập nhà chờ ở cổng vào diện tích 100m2, bịt đường vào. Lực lượng xung kích phường Hoành Bồ đã cho máy xúc vào hỗ trợ khai thông đường đi, vỡ nhiều cửa kính; đổ 6 cây xanh; không thiệt hại về người.
Bệnh viện Phổi cũng thiệt hại nặng nề như bay tấm tôn chắn cổng , 80% cây xanh gãy đổ. Nhiều xe ô tô bị các tấm tôn, cây, vật thể khác bay rơi đè vỡ; lật, tốc, bay mái tôn nóc khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng, nhà đại thể…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị vẫn đang nỗ lực tích cực khắc phục các sự cố, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và công tác cấp cứu khám chữa bệnh cho người dân.
Hiện còn 3 đơn vị của ngành Y tế Quảng Ninh là: Trung tâm y tế Ba chẽ, Trung tâm y tế Bình Liêu, Trung tâm Kiểm nghiệm chưa liên lạc được để thống kê thiệt hại. Điện lưới và nước sạch tại một số điểm ở Quảng Ninh vẫn chưa có trở lại.
Dự kiến, nếu tiếp tục mất điện lưới trong 2 ngày tới, các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong cung cấp điện và nước cho sinh hoạt người bệnh và sinh hoạt của các đơn vị. Hiện tại, 100% các đơn vị y tế đều chạy máy phát điện chạy 24/24 giờ đảm bảo an toàn.