TP – Chưa có phương án thi tuyển lớp 10 năm 2025 nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới để các nhà trường, học sinh bám sát dạy học và xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi vượt cấp lên THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với phương án mới, cấu trúc định dạng đề thi mới.
Sau 3 tháng chuẩn bị, hôm qua (29/8), Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc đề thi các môn theo chương trình mới làm căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tới.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới sẽ có nhiều điểm mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Như Ý |
Điểm mới của đề minh họa là tăng cường các dạng thức trắc nghiệm gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 4 phương án; trắc nghiệm đúng/sai trong đó mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh sẽ chọn đúng hoặc sai; trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Điểm mới nữa trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới là có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp mới là môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử – Địa lý.
Nếu như trước đây, các môn thi này đứng đơn lẻ thì theo chương trình mới, 5 môn học được tích hợp thành 2 bộ môn, do đó đề thi cũng sẽ được thiết kế tích hợp. Ở môn Khoa học tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử- Địa lý cũng có 40 câu hỏi dừng lại ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Yêu cầu vận dụng kiến thức thực tế
Theo cô Hoàng Tú Uyên, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ cấp THCS, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cấu trúc đề minh họa bên cạnh những câu hỏi quen thuộc có nhiều dạng câu hỏi hoàn toàn mới như: yêu cầu sắp xếp và lựa chọn các câu để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh; yêu cầu diễn đạt lại chỉ dẫn trên biển báo, thông báo hay điền một phần hoặc cả câu vào chỗ trống để hoàn thành đoạn văn…
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành phố có quyền quyết định phương án, thời gian tuyển sinh đầu cấp. Thời điểm này, học sinh, các nhà trường rất mong ngóng phương án thi. Tuy nhiên, mới chỉ có Quảng Nam công bố phương án thi tuyển lớp 10. Học sinh thi 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ kết hợp với kết quả học bạ 4 năm THCS.
Theo cô Uyên, đề minh họa bám sát theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học của chương trình mới, trong đó yêu cầu học sinh vận dụng nhiều kiến thức trong thực tế để giải quyết vấn đề.
Tỉ lệ các câu hỏi đơn lẻ giảm, thay vào đó xuất hiện những dạng bài mới kiểm tra kiến thức, năng lực đọc hiểu văn bản, phân tích thông tin, tư duy logic trong sắp xếp và triển khai ý. Dạng bài tìm lỗi sai biến mất và dạng bài chức năng giao tiếp, dạng tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa giảm từ 2 câu còn 1 câu.
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết: “Điểm khác so với đề thi trước đây đó là, có thêm phần thống kê và xác suất; có nhiều bài toán gắn với giải quyết các vấn đề thực tế hơn; vận dụng kiến thức liên môn”.
Về môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đánh giá có nhiều điểm mới tương đồng với đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên mức độ kiến thức không đòi hỏi quá khó. Với đề minh họa mới, giáo viên sẽ dạy học sinh kiến thức, kỹ năng để làm đề không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa như yêu cầu đầu năm học của Bộ GD&ĐT.