Thực tế, đa phần người dân ngày càng có trách nhiệm và văn minh hơn trong hoạt động tâm linh này. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn nhiều “sạn” cả ở khâu tổ chức cũng như ý thức của người dân.
Vẫn còn một số “hạt sạn”
![chua-bang.jpg](https://www.vietnam.vn/hanoi/wp-content/uploads/2025/02/Nhat-san-trong-le-den-chua-dau-Xuan.jpg)
Đền Đức Thánh Cả (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) bên dòng sông Đáy là một trong những địa chỉ linh thiêng, được nhiều người xa, gần về cầu an. Chiều mùng 1 Tết Ất Tỵ, dòng người ken đặc lối vào đền, trên mâm lễ lỉnh kỉnh tiền, vàng mã… Sau khi hạ lễ, nhiều người hóa sớ, tiền, vàng mã đã tiện tay vứt hoa lễ xuống sông dù bên cạnh có thùng rác. Phía ngoài đường vào đền, vẫn còn cảnh người tàn tật xin tiền. Trong khi đó, chùa Hàm Long kế bên đền Đức Thánh Cả vẫn có hiện tượng rút thẻ đầu năm.
Chiều muộn mùng 3 Tết Ất Tỵ, Khu di tích đình – chùa – bia Bà La Khê (quận Hà Đông) dù đã vãn khách nhưng lửa trong lò hóa sớ vẫn cháy ngùn ngụt. Dù nhà đền đã khuyến cáo quý khách giữ vệ sinh chung, khi sắp lễ xong, bỏ các vật dụng không dùng vào thùng rác, nhưng nhiều người không thực hiện… Cách đó không xa, nhiều ki ốt trong khu vực dành cho viết sớ vẫn công khai biển xem tử vi, xem chỉ tay…
Tương tự, phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) những ngày đầu năm ken đặc người. Từ cổng vào, dù có nhiều thùng rác, nhưng không ít người dân, du khách vẫn bỏ rác không đúng nơi quy định. Phần lớn gốc cây trở thành nơi vứt rác; ngược lại, nhiều thùng rác có nắp đậy nhưng người dân vứt ngay trên nắp thùng… Đáng nói là, dù phủ Tây Hồ đã có bảng thông tin khuyến nghị người dân, du khách không thắp hương trong đền, nhưng nhiều người vẫn thắp hương, gây khói mù mịt. Đặc biệt, do lượng khách đặt lễ quá lớn, phủ phải bố trí một đội ngũ chuyên thu gom lễ và phân loại. Hàng loạt thúng lớn hoa tươi, nến, hương vòng, tiền, vàng mã liên tục được vận chuyển vào nơi đổ rác. Một người trong tổ phân loại cho biết, từ 5h đến 22h liên tục có khoảng 20 người chỉ làm công việc thu gom, phân loại lễ. Trong số này, nhiều hoa tươi, tiền vàng âm phủ bị loại bỏ, vô cùng lãng phí.
Một điểm chung ở hầu hết cơ sở thờ tự là việc rải tiền lẻ trên khắp các ban thờ trong đình, đền, chùa. Dù trước ban thờ nào cũng bố trí hòm công đức, nhưng ít người để tiền lễ vào đó, mà tìm cách cài trên những bình hoa, rải trên mặt ban thờ…, khiến cơ sở thờ tự phải sắp đặt người thu gom, nhặt tiền lẻ đưa vào hòm công đức…
Lan tỏa nét văn minh
Nhằm bảo đảm cho du khách yên tâm du xuân, chiêm bái phủ Tây Hồ, Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Danh Thụ cho biết, các đơn vị đã bố trí đội liên ngành gồm công an quận và công an phường với 8 cán bộ túc trực thường xuyên tại phủ Tây Hồ để tuyên truyền, nhắc nhở người dân và kiểm soát tình trạng trộm cắp, móc túi. Bên trong phủ cũng lắp đặt hệ thống
camera giám sát để kiểm soát hành vi ăn cắp vặt… Với việc bảo đảm tốt an ninh trật tự, từ đêm Giao thừa đến nay, tại phủ Tây Hồ chưa ghi nhận trường hợp người dân, du khách nào bị móc túi, cướp giật.
Trong khi đó, chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng mang đến một không gian thanh tịnh với muôn sắc hoa đua nở. Hầu hết người dân đến chùa không thắp hương, không đốt tiền, vàng mã, không hái hoa, bẻ cành, không giẫm chân lên cỏ… Bà Nguyễn Thị Huệ ở chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì) cho biết, đã thành lệ, nhiều năm nay, người dân đến lễ chùa không thắp nhang, không hóa vàng mã. Nhiều người có ý thức gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường. “Tôi và nhiều người được nhà chùa giáo hóa không đốt tiền, vàng mã, thay vào đó, người đến lễ chùa lòng thành, “giọt dầu” dâng Tam Bảo, nhà chùa sẽ dùng số tiền đó để trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm tốt, mọi người cùng được phát tâm, làm việc thiện, nên ai cũng hoan hỉ”, bà Huệ chia sẻ.
Trong khi đó, ngay từ cổng chùa Phúc Khê – hay còn gọi chùa Ngòi (quận Hà Đông), nhà chùa phát loa đề nghị người dân không đặt lễ hương nhang, nến, tiền, vàng; mọi người vào lễ Phật với tâm thế bình an. Thầy Thích Đàm Xuyến, Phó Trụ trì chùa Phúc Khê cho biết, nhà chùa không sóc thẻ, bói toán, chỉ chuyên niệm Phật, phóng sinh, giúp người nghèo và bệnh nhân ở nhiều bệnh viện… Dịp giáp Tết Ất Tỵ, nhà chùa cũng tặng 400 suất quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Nói về việc đốt tiền, vàng mã, thầy Thích Đàm Xuyến khẳng định, đạo Phật không dạy bảo việc đốt vàng mã… Đây là việc làm gây lãng phí lớn và ô nhiễm môi trường. Nhà chùa đã phải mất nhiều thời gian để tạo nếp không thắp hương bừa bãi, không đốt tiền, vàng như hiện nay. Mọi người đến chùa với tâm thành là đủ; nhà chùa mong Phật tử dùng tiền làm việc thiện, sẽ có lợi cho người nghèo khó, cho xã hội, hơn là mua vàng, mã để đốt tràn lan.
Tin rằng, với sự thay đổi về nhận thức, những nét đẹp trong hoạt động lễ đền, đình, chùa, phủ đầu năm sẽ ngày càng được nhân lên để loại bỏ dần những “hạt sạn” không đáng có như hiện nay…
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhat-san-trong-le-den-chua-dau-xuan-692453.html