Mỗi lần nhắc đến nhà thơ Trần Hùng, gia đình tôi lại nhớ về những kỷ niệm thân thương. Trần Hùng không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là người lính gắn bó với gia đình chúng tôi như một người em trai. Khi vợ tôi qua đời, anh đã không ngần ngại từ Cao Bằng về Quảng Ngãi để thắp hương cho người chị thân yêu. Tình cảm ấy khiến chúng tôi luôn trân trọng mỗi khi nghĩ về anh.
Nhà thơ Trần Hùng sống đặc biệt tình cảm, luôn quan tâm tới người khác, nhất là tới những người mình yêu quý. Xuất thân là người lính, Trần Hùng mang phẩm chất của một anh bộ đội. Trấn giữ tại Cao Bằng, vùng địa đầu Tổ quốc, đơn vị của Trần Hùng đã đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc đúng vào ngày 17.2.1979.
Nhiều năm sau, khi gặp và chơi thân với Trần Hùng, em đã kể tôi nghe về trận đánh sau ngày 17.2.1979 ở cửa ngõ thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng). Một chiếc xe tăng của địch mang số hiệu 406 chạy thoát từ phòng tuyến Đông Khê lên Cao Bằng theo đường số 4, khi chạy qua thị xã, vượt cầu sông Hiến lên phía bắc, đã bị Đại đội 1, Tiểu đoàn 40 pháo phòng không của Tỉnh đội Cao Bằng; lúc ấy Trần Hùng là đại đội phó, hạ nòng pháo, thay đạn nổ bằng đạn xuyên, và bắn cháy.
Câu chuyện đó rất gần với hình ảnh này trong bài thơ Tổ quốc của tôi:
Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất
Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc
Quả đạn rời nòng trong chớp mắt
Xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa
Anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt
Gương mặt dịu lành như Tổ quốc chúng ta.
Có hình ảnh Trần Hùng trong hình ảnh người lính trẻ ấy, kể cả nụ cười và gương mặt dịu lành của anh khi bắn cháy một xe tăng của quân xâm lược.
Ngày tôi chính thức gặp Trần Hùng lại vào một lúc rất tình cờ, tại nhà bạn thân của tôi là nhà văn – nhà dịch thuật Nguyễn Trung Đức. Gặp tôi, Trần Hùng hồn nhiên khoe: “Em mới làm được bài thơ, mang tới cho anh đọc”.
Bài thơ của Trần Hùng viết về một nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ, ca sĩ Madonna, người được vinh danh là “Nữ hoàng nhạc pop”. Tôi đọc thấy bài thơ hay và hơi lạ, vì có kiến thức và đậm chất âm nhạc, hồi đó nhạc pop với Việt Nam còn khá mới mẻ.
Hỏi Trần Hùng mới biết em đang theo học tại Học viện Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội. Sau này tôi còn được Hùng chơi piano cho nghe, em đàn khá nhuyễn. Từ một người lính bắn cháy xe tăng quân xâm lược, Trần Hùng đã học âm nhạc bài bản, và đã làm thơ. Bài thơ đầu tiên của Trần Hùng thành cầu nối giao tiếp anh em tôi là thế này:
Madonna
Dàn nhạc quay cuồng
Chớp vỡ từng mảng màu thế giới
Madonna hiện ra
Tóc bập bùng
Cả rừng cánh tay
Rùng rùng chuyển nhịp
Madonna hát
Bần bật ngực lò xo
Chật căng thân thể cô
Bí mật
Những cơn co giật
Cô tiêm vào mạch máu con người
Madonna
Đôi môi tơi bời
Hổn hển chống chọi với tiết tấu
Lại như cố giữ níu
Một điều gì đang sắp mất đi
Gieo mình như Giêsu
Bỗng hoảng hốt tru lên như sói cái
Những tình khúc man dại
Hoàng hôn châu Phi
Những người tình lặng lẽ ra đi
Không ngoái lại
Thế giới
Động mạch đứt
Trong đám đông cuồng nhiệt
Có kẻ xé áo lót ném lên trời
Nhiều người cắn răng vào song sắt
Nhưng Madonna đã ngừng hát
Vùn vụt biến đi rồi
Chỉ còn những mảng màu rã rời
Đang ghép lại.
Hà Nội 1991
Ngay từ hồi đó, thơ Trần Hùng đã mang khá rõ dáng dấp thơ hiện đại. Sau này, thơ Trần Hùng quyện nhuyễn chất dân tộc và chất hiện đại, nói đúng hơn, là hiện đại hóa chất dân tộc. Đó là một xu hướng thơ, gọi là hậu hiện đại cũng được, mà gọi là “tân – dân tộc” cũng xong. Xin gửi một bài thơ của Trần Hùng theo xu hướng “tân – dân tộc” tới bạn đọc:
Gọi xanh
Anh ơi
lá đắng em còn một cây
lá đêm em còn một bầy
lối trăng em còn một đời
một đời ta đi không mùa
một mùa lên cao chơi vơi
một mùa diều non liu diu
một mùa tùng rinh thuyền son trâu vàng
một mùa đồng trinh lùm tre lân tinh
tay nắm tay buông miên man lời đêm
tiếng khóc kim cương em tôi cầu hôn
phím lẫy tinh khôi phím giàn giụa sóng
sóng cất lên đi bài ca không bờ
ta cất lên ta bài ca không mùa
ướm lên tim anh một xanh dù lá đắng
rớm lên môi anh một trăng rồi xa anh.
Âm nhạc tràn ngập bài thơ này, và lối “nói thơ” rất dân tộc Cao Bằng làm nên dáng vẻ thật riêng của bài thơ.
Đã bao nhiêu năm, Trần Hùng làm rất nhiều việc không dính tới thơ, như làm chánh văn phòng tỉnh ủy, làm giám đốc sở văn hóa, rồi cuối cùng làm phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã, cho tới khi về hưu, nhưng Trần Hùng chưa lúc nào xa rời thơ, và thơ cũng chưa bao giờ từ bỏ em.
Những năm ấy, vợ chồng tôi cũng có nhiều dịp lên thăm Cao Bằng, và được đứa em Trần Hùng lo lắng chăm sóc ân cần chu đáo. Nhất là trong khoảng thời gian từ 2012 – 2014, tôi đã nhiều lần lên Hà Giang và Cao Bằng để chuẩn bị viết trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó về người Mông. Tình anh em chúng tôi kết chặt nhờ thơ ca.
Và một nhà thơ cũng chỉ cần như vậy để sống và yêu thương.
Từ khi về hưu, Trần Hùng đã giành hết thời gian cho gia đình và cho thơ. Có lẽ vì vậy mà em đã trúng vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, và đã làm việc cho Hội với tất cả tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ cựu chiến binh.
Tôi ngạc nhiên vì mấy năm nay Trần Hùng làm rất nhiều thơ, và thơ em đặc biệt dành cho thiên nhiên Cao Bằng, cho lá cho cây cho mầm non và đại thụ. Trần Hùng đã chọn đúng đối tượng thể hiện trong thơ em, chính là màu xanh rừng cây nguyên sinh có thể mất. Đó là điều khiến chúng ta lo lắng nhất. Đây là một bài thơ về cây đại thụ của Trần Hùng:
Đại thụ
Rễ bò dưới đất
mò mẫm kiếm tìm
nuôi cây một đời…
suốt cuộc đời
một rừng cây lá giữa trời
đăm đăm xanh
mòi mỏi xanh
chờ đợi
một lần quằn quại
tướp vỡ trong bão.
Đó là cơn bão số 3 Yagi vừa tràn tới Cao Bằng và đã gây bao gãy đổ đau thương cho miền đất rừng địa đầu Tổ quốc này.
Nhớ Trần Hùng và gia đình em, tôi chỉ mong mọi người bình yên và có ngày anh em còn gặp nhau để cùng ăn một bát phở vịt quay Trùng Khánh hay một tô bánh cuốn nước đặc sản Cao Bằng.