Hàng Hành là một con ngõ cũng rất lạ lùng.
Ngõ Hàng Hành. Ảnh: An Lê
Nơi đây xưa nay chẳng hề trồng hành hay buôn bán hành, thế mà lại được gọi là Hàng Hành. Nơi bán hành nhiều nhất ở Hà Nội lại là phố Cao Thắng, nằm gần chợ Đồng Xuân, với bạt ngàn hành, tỏi, gừng, nghệ, ớt, sả… Vậy ở Hàng Hành có cái gì?
MỘT CON NGÕ ĐỘC ĐÁO ĐỆ NHẤT
Câu trả lời là, ngõ Hàng Hành có những đặc điểm lạ lùng mà hiếm con ngõ nào trong khu phố cổ có. Thứ nhất, có ngõ Hàng Hành mà không có phố Hàng Hành chống lưng, như kiểu phố Cầu Gỗ có ngõ Cầu Gỗ, phố Tràng Tiền có ngõ Tràng Tiền, phố Đồng Xuân có ngõ Đồng Xuân. Đâm ra ngõ Hàng Hành thành lại cô đơn.
Ngay từ thời mới thành lập, nơi đây đã được gọi là Hàng Hành, rồi lại được người Pháp gắn biển tên Ruelle des Oignons, tức ngõ Hàng Hành. Về mặt địa lý, ngõ Hàng Hành nằm đấu lưng với phố Hàng Gai, trước bán dây gai, sau chuyên kinh doanh tơ lụa.
Ngõ Hàng Hành tiếp nối phố Lương Văn Can, lượn một vòng hình lưỡi liềm để ra ngõ Báo Khánh. Chiều dài của ngõ Hàng Hành khoảng 180 mét, với chừng năm mươi số nhà cả bên chẵn, bên lẻ. Tuy ngắn vậy, thế nhưng ngõ Hàng Hành lại dung chứa 2 làng nghề là nghề tiện gỗ và đóng giày da, có liên quan chặt chẽ đến phường thợ ở phố Tố Tịch và phố Hàng Giày.
Không những thế, ngõ Hàng Hành còn có 2 ngôi đền thờ tổ nghề. Nhị Khê vọng từ ở số nhà 11 Hành Hành thờ ông tổ nghề tiện gỗ tên là Đoàn Tài, và Phả Trúc Lâm ở số nhà 40 thờ ông tổ nghề đóng giày da. Đền Nhị Khê vọng từ xây dựng trước, có quy mô bề thế hơn đền Phả Trúc Lâm, tuy nhiên, sau biến đổi thời cuộc, bị lấn chiếm, nên giờ khiêm cung hơn.
Việc có tới 2 đình thờ tổ nghề trong cùng một ngõ chắc chắn là điều lạ lùng nhất của Hàng Hành. Và nó càng tăng vẻ bí hiểm của tên ngõ, bởi cả hai phường thợ đều chẳng liên quan gì đến hành, tỏi cả. Rất nhiều nguồn cố giải thích rằng đây từng là nơi trồng hành hay rửa hành trước khi đem bán, nhưng đều không có cơ sở.
Chúng ta chỉ biết rằng, từ thế kỷ 18, ngõ Hàng Hành là nơi sinh sống và làm ăn của dân làng Nhị Khê (Thường Tín) kéo ra làm nghề tiện gỗ. Còn ở cuối ngõ là phường nghề đóng giày dép da do dân 2 làng Chắm trên và Chắm dưới (Hải Dương) đến lập nghiệp.
Dân ngõ Hàng Hành hầu như chỉ toàn thợ tiện gỗ, dùng bàn tiện đạp chân, để tạo nên các vật dụng như mâm bồng, chân đèn nến, ống hương, con tiện cầu thang, mâm gỗ, bát gỗ quân cờ tướng, con quay. Hàng tiện xong luôn để dạng mộc bán cất cho dân buôn, khau sơn son thếp vàng sẽ do phường thợ khác đảm nhiệm.
Tay nghề thợ tiện của dân ngõ Hàng Hành nổi tiếng đến mức được mời tham dự dựng lễ đài Ba Đình vào những ngày tháng 9 lịch sử năm 1945. Ông thợ tiện từng sống ở nhà số 5 Hàng Hành chính là người đã chỉ huy tốp thợ làm công trình đó, để rồi Tuyên ngôn Độc lập được sang sảng vang lên.
Sản phẩm gỗ tiện của dân ngõ Hàng Hành nổi tiếng và được tiêu thụ rất tốt không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp cả nước. Thời hoàng kim, 80% dân ngõ Hàng Hành làm nghề tiện. Về sau, họ còn mở sang những nghề khác như khắc ấn, dấu, triện gỗ và cả khắc ván in ở phố Hàng Gai và phố Tô Tịch, đến nay vẫn hoạt động.
NHỮNG LÀN SÓNG ÀO QUA
Đến sau năm 1954 trở đi, nghề tiện gỗ và đóng giày da dần dần mai một và cuối cùng biến mất hẳn. Những lớp người mới về thay thế lớp người cũ khiến cho người ta dần lãng quên những con tiện tinh xảo hay đôi giày da chắc chắn của dân ngõ Hàng Hành.
Nhất là trong khoảng thời gian 25 năm trở lại đây, ngõ Hàng Hành hoàn toàn lột xác, không còn dấu vết của phường thợ và người lao động nữa. Các ngôi nhà trong ngõ biến thành nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, bar, bia rượu, hàng ăn uống… để phục vụ khách du lịch và dân chơi đêm.
Trong con ngõ này, một loạt các quán cà phê, trà danh tiếng nổi lên. Trước đây, không ai đến Hàng Hành uống cà phê, thế nhưng, trong quãng thời gian biến đổi đó, quán cà phê Nhân đã nổi lên như một chốn thưởng thức cà phê Hà Nội sắc sảo chẳng kém gì quán cà phê Giảng, cà phê Lâm vốn lâu đời hơn nhiều.
Ngoài quán cà phê Nhân, ngõ Hàng Hành cũng nổi tiếng với những quán trà túi nhúng Dilmah, Lipton, tạo nên làn sóng thưởng thức trà mới vào đầu những năm 2000. Hàng chục quán trà và cà phê đã tạo ra một không gian đồ uống sành điệu cho giới trẻ Hà Nội, đặc biệt ở múi giờ về đêm.
Có thể nói, ngõ Hàng Hành là một trong những địa điểm lột xác nhanh nhất để đón làn sóng mở cửa và du lịch. Khi Internet xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, nơi đây cũng là địa điểm mở những quán cà phê Internet (Cyber Cafe) đầu tiên, hoạt động 24/24.
Có uống, có chơi thì phải có ăn. Các hàng quán ăn uống ở Hàng Hành cũng mọc lên như nấm. Trong con ngõ cong veo chỉ vỏn vẹn khoảng 50 số nhà thì có tới nửa non mở hàng bán đồ ăn, với đủ các món ngon của Hà Nội như bún, mỳ, miến, cháo phở, xôi…
Ở số nhà 29 trong ngõ là địa điểm thân thuộc của những tín đồ nghiện bún thang và xôi gà. Để lấy được sự ghi nhận của thị trường ở món bún thang là rất khó. Hà Nội có cả trăm quán phở gà, bún miến gà, tuy nhiên, số quán bán bún thang ăn được chỉ tính trên đầu ngón tay.
Bún thang là món ăn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công, khéo léo của người nội trợ. Từ khâu thái chỉ giò lụa, tráng trứng gà thành lớp mỏng tang rồi thái chỉ, lườn gà xé nhỏ miếng vừa ăn. Gia vị không thể thiếu khác là rau răm, hành hoa, hành lá, chanh ớt tươi, mắm tôm, củ cải muối giòn.
Bún thang dễ ăn, hương vị thanh tao, tinh tế, hình thức bắt mắt và đa sắc màu: Màu xanh của rau răm, hành lá, rau mùi; màu trắng của sợi bún, sợi thịt gà xé phay; màu vàng của trứng tráng, của da gà; màu nâu trầm của thịt gà đùi, củ cải, mắm tôm; màu hồng nhạt của những sợi giò lụa; màu đỏ của ớt và ruốc tôm.
Tất cả hài hòa, quyện lẫn trong nước dùng ngọt đậm đà, trong veo, đượm mùi tôm khô, hương gà, nấm hương… tạo nên một món ăn ngon cầu kỳ, công phu nhưng cũng rất tinh tế của người Hà Nội. Nếu công tâm đem chấm điểm, bát bún thang ở ngõ Hàng Hành được điểm 8 về hình thức trình bày và 7,5 điểm cho hương vị.
Mức điểm đó đủ để những người chưa từng ăn bún thang yên tâm thưởng thức món ăn này ở ngõ Hàng Hành. Chính vì thế, khách quen của quán đa phần là những du khách phương xa hay Việt kiều. Mỗi khi họ đến Hà Nội, kiểu gì cũng phải tìm đến đây để ăn một bát bún thang.
Tuy nhiên, món xôi gà của quán này xứng đáng với điểm cao hơn. Một chàng đầu bếp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải bật lời khen nức nở cho bát xôi gà ở đây. Khi đó, quán đã sắp đóng cửa, xôi cũng đã cuối chõ, thế nhưng hạt xôi vẫn mọng mềm, thấm mỡ béo của gà tiết ra, khiến cho miếng xôi trở nên ngon kỳ lạ. Nói gì thì nói, người Hà Nội nấu xôi vẫn cứ là đỉnh của đỉnh.
Chính những bát bún thang, xôi gà, tách trà nhúng, ly cà phê đã tạo nên dáng vẻ mới của ngõ Hàng Hành. Không còn tiếng đạp máy tiện gỗ xành xạch hay đóng giày chí chát; cũng không còn hình hài ngõ nhỏ hiu hắt chỉ có xích lô, xe kéo tay lui tới; ngõ Hàng Hành bây giờ là của dịch vụ thâu đêm suốt sáng.
Sự lột xác đó đã khiến giá nhà trong ngõ Hàng Hành tăng cao đến khó tin, khiến những người trung kiên với con ngõ nhất cũng phải đành lòng ký giấy bán nhà. Có thể hơi đáng tiếc, tuy nhiên, ngõ Hàng Hành không thể tránh được kết cục đó. Cũng như khi xưa, ngõ biến đổi từ đất hoang thành xóm ngụ cư của thợ tiện mà thôi.
Hải An
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/kham-pha/ngo-hang-hanh-ma-chang-co-hanh-1400125.html