Thăng Long đã được các triều đại quân chủ lựa chọn làm kinh đô nhiều thế kỷ. Do đó, ngay từ lúc được lập, đã chiếm vị thế biểu tượng của đất nước. Để hiện thực hóa tính chất biểu tượng này, một mặt người xưa xây dựng những công trình mang chức năng gắn với các nghi thức quyền lực của các vương triều và tôn giáo. Mặt khác, người xưa đã bồi đắp một hệ thống các ý nghĩa cho các công trình thể hiện vị thế “ở trung tâm trời đất” của kinh đô này.
Một biểu tượng khác chỉ riêng Hà Nội mới có: cửa ô. Đây là những cửa ra vào kinh thành trên vòng thành lũy tạo nên ranh giới Thăng Long với vùng xung quanh có từ thời chúa Trịnh Doanh, được tiến hành đắp từ năm 1749. Mang chức năng như các cửa vào thành phố, trong lịch sử đã từng có 21 cửa ô, đến nay chỉ còn duy nhất Ô Quan Chưởng còn lại với kiến trúc xây vào năm 1817. Cửa ô xây bằng gạch vồ với vọng lâu đơn sơ, mái đao cong như nét lưỡi mác rắn rỏi trên nền trời xanh, hiện diện bên cạnh những phố phường san sát mái ngói, làm nên một biểu tượng trong ký ức tập thể người Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Cao đã hơn một lần nhắc đến những cửa ô như những khải hoàn môn đầy chất sử thi: “Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa, bóng dáng ngàn năm hồ phai khi tàn mơ” (Thăng Long hành khúc ca) và “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón chào mừng nở năm cánh đào . Chảy dòng sương sớm long lanh” (Tiến về Hà Nội).
Bên cạnh những biểu tượng mang tính quyền lực, không gian Hà Nội còn chứa đựng những công trình mang tính văn hóa, đại diện cho ý niệm trung tâm văn hóa, tri thức của đất nước qua nhiều triều đại. Có khi là một biểu tượng có tính chính thống như Khuê Văn Các được dựng năm 1805 trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám với hình thức một tòa gác, thể hiện hình ảnh ngôi sao khuê tượng trưng cho văn chương và học vấn trong Nho giáo, bằng một bố cục hình tròn và các tia sáng tỏa ra dưới một hệ mái ngói âm dương, luôn có màu vàng son thể hiện sự trang trọng trong quan niệm truyền thống. Ngôi sao Khuê Văn Các cho đến giờ có mặt trong biểu trưng của thành phố Hà Nội và hơn nữa là nền học vấn Quốc gia, khởi từ một nơi có từ thời Lý (1070), gắn với lịch sử nghìn năm của đô thị này.
Nhưng Hà Nội cũng còn những biểu tượng xuất phát từ những sự tình cờ của lịch sử như Tháp Rùa giữa hồ Gươm. Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm vốn dĩ đã là một biểu tượng cảnh quan của Hà Nội, một gạch nối ý nhị giữa khu phố cổ và khu phố Pháp, nhưng chính Tháp Rùa trên gò Quy Sơn mới thật sự hoàn chỉnh ý niệm trung tâm của mảnh đất này. Được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 1870, Tháp Rùa là một tòa tháp có mặt bằng hình chữ nhật, cao ba tầng với hai tầng dưới có các ô cửa vòm nhọn kiểu nhà thờ Gothic, trong khi lầu trên cùng lại có cửa sổ tròn và mái đao đắp rồng kiểu đền thờ Á Đông. Câu chuyện hồ Hoàn Kiếm cũng để lại một dấu ấn trong cách người Pháp tạo ra thành huy của Hà Nội, trong đó có hình ảnh một cặp rồng chầu một thanh gươm trên một mặt hồ và hình một tòa thành, gợi ý sự tích vua Lê Thái Tổ với thanh gươm trả cho thần Kim Quy sau khi đã chiến thắng giặc Minh.
Lịch sử với những biến thiên đã để lại trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nhiều di tích có khả năng tạo dựng những biểu tượng đa dạng, từ ngôi chùa nổi tiếng Diên Hựu với tháp Một Cột mang sự tích một đài sen từ thế kỷ 11, gò Đống Đa gắn với chiến thắng của Quang Trung đại phá quân Thanh mùa xuân năm 1789, quần thể đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và tháp Bút soi bóng hồ Gươm làm nên biểu tượng văn hóa Hà thành thế kỷ 19, cho đến những công trình thời thuộc địa như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn… Thời hiện đại dường như vẫn chứng kiến một cuộc kiếm tìm những biểu tượng mới, từ những cây cầu mới bắc qua sông Hồng đến những công trình lớn về chiều cao và khối tích. Các thế hệ thường kỳ vọng biểu tượng thời mới sẽ phản ánh được quá khứ huy hoàng mà vẫn thể hiện giá trị đương đại.
Tạp chí Heritage