Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm/lần, tương tự như các năm 2014, 2019 khi số ca bệnh tăng đáng kể.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2014, toàn TP có 1.741 ca sởi, năm 2019 là 1.765 ca.
Đặc biệt, năm 2014 có hơn 110 trẻ em tử vong do sởi. Trong khi đó, từ năm 2020 đến 2023, số mắc sởi ghi nhận rải rác: Năm 2020 có 15 ca, năm 2021 có 2 ca, năm 2022 có 1 ca và năm 2023 không có ca bệnh.
Còn năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, toàn TP chỉ có 2 ca bệnh sởi; nhưng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2024 đã ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm/lần, tương tự như các năm 2014, 2019 khi số ca bệnh tăng đáng kể. |
Trước thực tế trên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đánh giá, thời điểm hiện tại, số ca mắc sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng.
Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1980, trước khi vắc-xin sởi được tiêm chủng rộng rãi, gần 2,6 triệu người đã tử vong mỗi năm. Vắc-xin phòng sởi đã được sử dụng trong suốt 50 năm qua, được chứng minh an toàn, hiệu quả, ít tốn kém.
Trong giai đoạn 2000-2012, vắc-xin phòng sởi đã giúp giảm 78% số ca tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi các vắc-xin là yếu tố gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng phải đạt trên 95%. Tuy nhiên, ghi nhận tại TP.HCM- địa phương vừa chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố (cuối tháng 8/2024) cho thấy, tính đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng bệnh sởi của trẻ em sinh từ năm 2019 đến 2023 tại TP.HCM đều chưa đạt 95%.
Thời gian qua, TP.HCM đã ghi nhận sự bùng phát của dịch sởi, trong đó có 3 trẻ tử vong. Vì vậy, từ ngày 31/8 TP.HCM đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi tại địa phương này đã đạt 98% theo kế hoạch.
Tại Hà Nội, để chủ động ngăn chặn bệnh sởi lây lan và bùng phát, từ ngày 14/10, TP triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15/11/2024.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn Thủ đô chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella (MR).
Cùng với chiến dịch tiêm vắc-xin, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới.
Cuộc sống mới của những bệnh nhi sau ghép gan
Với 66 ca ghép gan cho trẻ em, trong đó có 48 ca tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam, mang đến rất nhiều hy vọng sống cho trẻ em mắc bệnh lý hiểm nghèo như: teo mật bẩm sinh, suy gan, ung thư gan,…
Cuộc sống mới sau ghép gan Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều ca bệnh lý phức tạp như ghép gan bất đồng nhóm máu, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp,… đã được thực hiện thành công nhiều năm qua. Nhìn thấy các em khỏe mạnh sau ghép gan, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của các cha mẹ và các y, bác sỹ.
4 năm trước, bé H.A (6 tuổi, ở Hà Nội) đã trải qua một cuộc đại phẫu ghép gan để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình như bây giờ.
Lúc mới sinh bé H.A cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, tuy nhiên, khi bé được hơn 1 tháng tuổi, gia đình sững sờ khi biết con bị bệnh teo mật bẩm sinh. Quá trình xơ gan mật tiến triển sau đó khiến bé nhiều lần xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch tính mạng.
Trước tình hình đó, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và chỉ định cho H.A ghép gan, đây là cách duy nhất để cứu sống trẻ.
Rất may mắn, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, mẹ của bé H.A có các chỉ số phù hợp để hiến gan cho con. Ca phẫu thuật song song lấy gan của mẹ ghép cho H.A được các y, bác sỹ tiến hành vào tháng 2/2020 đầy khó khăn đã thành công tốt đẹp, bé H.A được cứu sống.
Trong lần tái khám vào cuối tháng 9/2024, mẹ H.A chia sẻ, bé H.A sống khỏe mạnh, mọi chức năng gan hoạt động bình thường, bé đến trường đi học và vui chơi như các bạn nhỏ bình thường khác.
“Thời điểm con em ghép gan, ranh giới sự sống mong manh lắm, vì lúc đó sức khỏe của con kém lắm rồi, nếu không có các y bác sỹ cứu chữa thì không thể có con như ngày hôm nay”, mẹ H.A xúc động tâm sự.
PGS-TS.Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với người mắc bệnh lý gan giai đoạn này, các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả rất thấp, hầu hết đều có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Việc ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu sống trẻ.
Do đặc điểm giải phẫu của các bệnh nhi còn chưa trưởng thành và hoàn thiện, cấu trúc mạch máu của trẻ rất nhỏ và dễ sang chấn nên kỹ thuật ghép gan cho trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ và tay nghề của các phẫu thuật viên mà còn cần sự kiên trì và quyết tâm.
Từ năm 2025, Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai kỹ thuật ghép gan trẻ em. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm là người định hướng và đặt nền móng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Đầu năm 2021, các y, bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận kỹ thuật ghép gan từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau quá trình tiếp cận, phối hợp tham gia từng phần của quy trình kỹ thuật với các chuyên gia trong và ngoài nước, tháng 3/2022, bệnh viện đã làm chủ toàn bộ quy trình kỹ thuật ghép gan cho trẻ em.
Từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005, bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công cho 66 ca, trong đó có 48 ca ghép bệnh viện tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong số các ca ghép tại bệnh viện, phần lớn là trẻ nhỏ, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ghép gan tại bệnh viện là một bé 9 tháng tuổi, cùng với bệnh nhi có cân nặng thấp nhất (5,6kg) tới nay vẫn giữ kỷ lục là em bé được ghép gan có tuổi đời nhỏ nhất và cân nặng thấp nhất tại Việt Nam.
PGS-TS.Phạm Duy Hiền chia sẻ, tới thời điểm này hầu hết các ca ghép gan tại bệnh viện đều có kết quả tốt, sau ghép gan tỷ lệ sống sau 5 năm của trẻ là hơn 90%. Sức khỏe của trẻ sau ghép diễn biến tốt, chức năng khối ghép dần ổn định, có trường hợp trẻ sau ghép gan không cần phải dùng thuốc thải ghép.
Nhờ đó, ngày càng nhiều bệnh nhi được hồi sinh nhờ sự quyết tâm của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng sự yêu thương của gia đình, người thân đã hiến một phần gan để cứu sống con mình.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, nhóm bệnh lý gan mật là một trong những nhóm bệnh mà các bác sỹ đang rất khó khăn và trăn trở để có thể xử lý tốt nhất cho trẻ em.
Ghép gan là phương pháp duy nhất để đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện ghép gan cho trẻ em hiện nay còn nhiều thách thức. Trước hết, đó là tình trạng thiếu tạng ghép và chi phí cho ca ghép gan còn cao. Đồng thời, sau ghép gan người bệnh còn phải dùng thuốc chống thải ghép khá tốn kém, nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chi trả.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn có được sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức để có ngày càng nhiều trẻ em được ghép gan, hồi sinh sự sống.
Tiến bộ điều trị trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
Nững năm gần đây, lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam nói chung và chuyên ngành tim mạch can thiệp nói riêng đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hội nhập sâu rộng với thế giới và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên toàn cầu. Tất cả các bệnh lý tim mạch đều có thể được chẩn đoán và điều trị ngay trong nước một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Điều này đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội tiếp cận với những thành tựu khoa học hiện đại ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài.
GS, TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, kể từ ca can thiệp động mạch vành đầu tiên thực hiện tại Viện Tim mạch Việt Nam (năm 1995), đến nay cả nước đã có hơn 140 đơn vị can thiệp tim mạch với đội ngũ bác sỹ làm can thiệp tới gần 500 người.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đã có tim mạch can thiệp và người bệnh đã được hưởng lợi ngay tại địa phương nhất là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đã được can thiệp kịp thời, tại chỗ.
Các bác sỹ tiếp cận, áp dụng và phát triển được nhanh chóng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực này của thế giới vào Việt Nam.
Trong 2 năm qua, số lượng ca bệnh cần can thiệp tim mạch tại Việt Nam đã tăng gần 20% so với các năm trước, nhất là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành.
Hiện nay, ước tính có hơn 1,3 triệu người Việt Nam sống chung với bệnh mạch vành, và mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người bệnh được thực hiện các thủ thuật tim mạch can thiệp, trong đó có 40 đến 50 nghìn ca can thiệp đặt stent mạch vành.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân được can thiệp các bệnh lý tim mạch khác cũng gia tăng nhanh chóng như can thiệp nhịp, can thiệp các bệnh tim cấu trúc, can thiệp mạch máu lớn và mạch máu ngoại biên…
Đáng chú ý, đã có 6 trung tâm ở Việt Nam được chứng nhận quốc tế là trung tâm độc lập can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông, trong đó có 2 trung tâm trở thành là trung tâm đào tạo kỹ thuật này. Điều này cũng minh chứng cho sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành tim mạch can thiệp nước nhà.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những thách thức và khoảng cách nhất định giữa các tuyến trung ương và địa phương cũng như khoảng cách với các nền y tế tiên tiến trong bối cảnh khoa học đang tiến bộ như vũ bão.
Để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch, đòi hỏi các thầy thuốc cần liên tục học hỏi và trau dồi từ những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển, cập nhật và áp dụng những tiến bộ y khoa mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong nước, với đồng nghiệp quốc tế. Và những hội khoa học là một trong những cơ hội rất tốt để làm điều đó.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-1210-ngan-dich-soi-lay-lan-d227270.html