Để bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các chuyên gia kiến nghị phải có giải pháp mạnh hơn để khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng.
Lượng phát hành trái phiếu mới tính chung trong 10 tháng năm 2024 đạt trên 360.000 tỷ đồng, cao hơn tổng mức phát hành cả năm 2023 ẢNH: Shutterstock. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Không bổ sung điều kiện “siết” phát hành trái phiếu ra công chúng
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 8/11, cả nước có 331 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 315.792 tỷ đồng, nhưng chỉ có 21 đợt phát hành ra công chúng, giá trị 32.114 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng giá trị phát hành. So với trước năm 2023 (tỷ lệ này thường dưới 5%), thì tỷ lệ trái phiếu phát hành đã cải thiện, song vẫn còn nhỏ, đồng nghĩa thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến quy định, nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong hai trường hợp: doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), quy định trên sẽ khiến thanh khoản thị trường trái phiếu bị co hẹp, doanh nghiệp khó khăn hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vì khó tìm người mua hơn. Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, một khi siết kênh trái phiếu riêng lẻ, cần phải khơi mở kênh trái phiếu phát hành ra công chúng, nếu không, thị trường trái phiếu sẽ bị bóp nghẹt hai đầu.
Trong những bản dự thảo trước đó của Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ Tài chính – cơ quan xây dựng dự thảo – còn muốn siết cả điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng (quy định phát hành ra công chúng cần phải có tài sản đảm bảo hoặc có ngân hàng thương mại bảo lãnh).
Quy định này khiến rất nhiều doanh nghiệp lo lắng. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tài sản đảm bảo, thì có thể vay vốn ngân hàng, không phải tìm đến con đường phát hành trái phiếu ra công chúng. Các quy định có tính chất “rào cản” trên sẽ làm suy giảm cung trái phiếu phát hành ra công chúng, bởi ngay cả nhiều doanh nghiệp đầu ngành cũng khó đáp ứng điều kiện.
Theo nhiều doanh nghiệp, nếu có đủ uy tín để được ngân hàng sẵn sàng bảo lãnh, thì doanh nghiệp đã có thể vay vốn tín chấp, hoặc nếu có tài sản đảm bảo thì đã thế chấp ngân hàng để vay vốn ngay, thay vì mất cả năm trời chờ phê duyệt phát hành trái phiếu ra công chúng.
Rất mừng là, trong dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tuần qua, quy định đòi hỏi tài sản đảm bảo và bảo lãnh ngân hàng đã được dỡ bỏ. Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, chỉ khoảng 30% trái phiếu trên thị trường có tài sản đảm bảo, trái phiếu có bảo lãnh ngân hàng lại càng ít.
Cần mở hơn với trái phiếu phát hành ra công chúng
Dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán (sửa đổi) không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, song cũng chưa có động thái “mở” thêm với lĩnh vực này.
– Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Về phát hành ra công chúng, ban đầu chúng tôi thiết kế Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) là yêu cầu phải có tài sản đảm bảo hoặc có ngân hàng thương mại bảo lãnh. Tuy vậy, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và các bộ, ngành, Chính phủ đã thống nhất không quy định phải có ngân hàng bảo lãnh hoặc phải có tài sản đảm bảo, vì nếu đưa điều này ra, sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn. Đương nhiên, việc phát hành trái phiếu ra công chúng phải được Ủy ban chứng khoán Nhà nước phê duyệt, cấp phép.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại phát hành trái phiếu ra công chúng là thủ tục niêm yết, phát hành trái phiếu ra công chúng hiện nay phức tạp, kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm và yêu cầu về công bố thông tin, minh bạch thông tin khắt khe hơn. Trong khi đó, cơ hội kinh doanh đến rất nhanh, nhưng nhiều khi trôi qua cũng rất nhanh, nếu phải chờ đợi 6 tháng đến 1 năm mới được xét duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng như hiện nay, thì doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ mất cơ hội.
“Vì vậy, muốn đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, việc đầu tiên là rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu thời gian xét duyệt hồ sơ giảm còn vài tuần, chắc chắn lượng trái phiếu phát hành ra công chúng sẽ tăng mạnh”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Phát hành trái phiếu ra công chúng là thông lệ quốc tế, cũng là hướng đi duy nhất giúp thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, bền vững. Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp được giám sát tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, hàng hóa có chất lượng hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.
Mặc dù Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) không bổ sung quy định về trái phiếu phát hành ra công chúng, song theo các chuyên gia, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ trái phiếu phát hành ra công chúng.
Riêng với các yêu cầu về minh bạch thông tin, cơ quan điều hành không thể “nhượng bộ”, mà phải yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.
Trong hai kênh phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính không đặt mục tiêu cụ thể thu hẹp hay mở rộng thị trường nào, song rõ ràng, một khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gặp khó, nếu thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng cũng đóng băng, thì thị trường vốn sẽ tắc nghẽn, gây đứt gãy dòng vốn của doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/nen-noi-dieu-kien-phat-hanh-trai-phieu-ra-cong-chung-d230055.html