Nem Phùng là một đặc sản nổi tiếng của thị trấn Phùng ở huyện Đan Phượng, chinh phục thực khách nhờ hương vị thơm ngon.
Nem Phùng là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: Hoài Lan
Đặc sản dân dã
Không phải đặc sản cao sang, Nem Phùng là món dân dã có trên các mâm cỗ, tiệc hay bàn nhậu của người dân Hà Nội. Đặc sản đi vào ca dao dân ca, như câu truyền miệng: “Nem Phùng ăn với lá sung/Để người tứ xứ nhớ nhung một thời”.
Ghé thăm nơi khai sinh ra món nem mộc mạc chất quê, chúng tôi gặp ông Bùi Ngọc Thái (Đan Phượng, Hà Nội) – Nghệ nhân dân gian ở Đan Phượng, Hà Nội. Theo ông, nem Phùng có nguyên liệu đơn giản, nhưng quá trình chế biến đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác.
Phần bì, mỡ và nạc được trộn đều. Ảnh: Hoài Lan
Chia sẻ với Lao Động, ông Thái cho biết: “Nguyên liệu chính để làm nem gồm thịt và bì lợn, gạo nếp và tẻ, đậu tương, lá sung. Thịt được chọn làm nem phải là thịt vai lợn, có cả nạc và mỡ. Thịt lợn sau khi được lọc riêng từng phần mỡ, bì và nạc sẽ được luộc chín và thái chỉ”.
Theo ông Thái, bí quyết tạo nên hương vị thơm ngon của nem Phùng nằm ở khâu chế biến thính. Thính được làm từ sự kết hợp của gạo tẻ non, gạo nếp cái hoa vàng và đậu tương. Quá trình rang thính đòi hỏi sự khéo léo, phải đảo đều tay để các nguyên liệu chín đều mà không bị cháy khét. Sau khi rang xong, hỗn hợp này được nghiền mịn, tạo nên mùi thơm đặc trưng, giúp nem Phùng có hương vị hấp dẫn khó quên.
Chính sự hòa quyện tinh tế giữa các thành phần đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nem Phùng. Vị béo ngậy của thịt lợn, độ giòn dai của bì và hương thơm bùi đặc trưng của thính mang đến cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Sự kết hợp khéo léo từ nhiều nguyên liệu tạo nên hương vị truyền thống đậm đà, khiến nem Phùng trở thành một món ăn khó quên trong lòng người thưởng thức.
Mỗi phần nem Phùng được gói cẩn thận trong lá chuối tươi, ăn kèm với lá sung, tạo nên sự hòa quyện hoàn hảo. Lá sung không chỉ làm tăng độ giòn của nem mà còn mang đến hương vị bùi bùi, chát nhẹ, giúp cân bằng vị béo của thịt và thính.
Những chiếc lá sung được chọn lọc kỹ lưỡng, không quá già cũng không quá non, đủ để bọc trọn từng miếng nem. Khi thưởng thức, nem Phùng thường được chấm với nước mắm chua ngọt, làm nổi bật thêm hương vị hấp dẫn và đặc trưng của món ăn.
Nem Phùng được gói trong lá chuối tươi. Ảnh: Hoài Lan
Mỗi ngày cửa hàng của gia đình ông Thái cung cấp ra thị trường 50 – 60kg nem, cao điểm là dịp lễ Tết lên tới gần 100kg/ngày.
Không chỉ là món ăn, nem Phùng còn trở thành niềm tự hào của người dân thị trấn Phùng. Hương vị thơm ngon đặc trưng của nem Phùng không chỉ phổ biến ở vùng đất Đan Phượng mà còn lan rộng khắp các tỉnh thành trong nước, thậm chí vươn ra quốc tế. Người dân Phùng đã xuất khẩu đặc sản của mình sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Thương hiệu nem Phùng được nhiều thực khách ưa chuộng. Ảnh: Hải Ly
Bà Nguyễn Thị Tuyết (Đan Phượng, Hà Nội) – chủ một hộ sản xuất nem Phùng chia sẻ, sau dịch COVID-19, việc sản xuất nem Phùng bị chững lại khiến cho doanh thu trung bình giảm đi nhiều so với mọi năm. Dù vậy, thực khách vẫn rất ưa chuộng sản phẩm này.
Theo bà Tuyết, gần đây nhiều cơ sở sản xuất nem Phùng liên tiếp được chứng nhận OCOP 3 sao. Sự công nhận này không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn giúp các hộ kinh doanh nem Phùng nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Các sản phẩm nem Phùng tiếp tục xuất hiện tại nhiều sự kiện và hội chợ xúc tiến thương mại, lễ hội ẩm thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, giúp quảng bá rộng rãi thương hiệu truyền thống.
Nghề làm Nem Phùng được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa ẩm thực địa phương. Việc khuyến khích bảo tồn và thương mại hóa giá trị món ăn truyền thống như Nem Phùng không chỉ giúp gìn giữ văn hóa mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản ẩm thực trong cuộc sống hiện đại.
Hoài Lan – Hải Ly
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/am-thuc/nem-phung-dac-san-dan-da-cang-an-cang-me-o-ha-noi-1409455.html