Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/1 đã công bố các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. (Nguồn: globsec) |
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mới nhằm “thực hiện cam kết của G7 về việc cắt giảm doanh thu từ năng lượng của Nga”.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhấn mạnh, đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt đối với ngành năng lượng Nga, nhắm mục tiêu khiến nền kinh tế của Xứ sở bạch dương chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này cũng sẽ triển khai hành động chống lại ngành năng lượng Nga, cụ thể là “chặn 2 dự án khí đốt thiên nhiên hóa lỏng đang hoạt động, 1 dự án dầu mỏ lớn của Nga và các thực thể của nước thứ ba hỗ trợ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa vào danh sách trừng phạt “nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí có trụ sở tại Nga và các quan chức cấp cao của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom.
Trong một động thái phối hợp với Mỹ, chính quyền Anh cùng ngày đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz.
London và các đồng minh phương Tây cũng nhắm mục tiêu vào những con tàu đã và đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Anh sẽ hạn chế hoặc cấm những con tàu này di chuyển và tiếp cận một số cảng của “Xứ sở sương mù”.
Đáp lại những bước đi nêu trên, Gazprom Neft ngày 10/1 tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng chống chịu, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, cho rằng đây là quyết định “thiếu căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh tự do”.
Tập đoàn dầu khí của Nga nêu rõ: “Gazprom Neft đã liên tục chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản trừng phạt tiêu cực khác nhau suốt 2 năm qua. Ngoài ra, công ty đã gánh chịu các biện pháp trừng phạt đơn phương của nước ngoài từ năm 2022, do đó, nhiều hạn chế như vậy đã được tính đến trong quy trình hoạt động”.
Trong khi đó, công ty bảo hiểm Ingossstrakh của Nga – một đối tượng khác nằm trong danh sách trừng phạt – khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.
Theo các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, gói trừng phạt mới cũng sẽ nhắm vào những đơn vị hỗ trợ dự án khí đốt hóa lỏng Bắc Cực của Nga (Arctic LNG), bao gồm các tổ chức tham gia sản xuất và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng từ Nga, các đơn vị tìm cách mở rộng công suất sản xuất dầu mỏ trong tương lai của Nga, cùng những đơn vị hỗ trợ dự án LNG mới của tập đoàn NOVATEK.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
* Cùng ngày 10/1, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal thông báo trên Telegram, ngân sách nước này đã nhận được 3 tỷ Euro đầu tiên trong khuôn khổ gói tín dụng chung của nhóm G7, số tiền này lấy từ lợi nhuận của tài sản Nga bị phong tỏa.
Ukraine sẽ chi khoản tiền trên cho các chi phí ngân sách ưu tiên. Người đứng đầu chính phủ Ukraine đánh giá, khoản chuyển này chứng minh nguyên tắc “Nga sẽ phải trả giá” đã thành hiện thực và tin tưởng sức khỏe tài chính của đất nước sẽ mạnh hơn trong năm 2025.
Năm 2024, G7 đã nhất trí cùng cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD bằng tài sản Nga bị phong tỏa. Khoản tiền này sẽ được cung cấp chính thức dưới dạng khoản vay, nhưng sẽ được hoàn trả bằng thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Ukraine đã nhận được khoản chuyển đầu tiên 1 tỷ USD trong 20 tỷ USD phần góp của Mỹ.
* Trong một động thái có liên quan, trước khi Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga, giá dầu thế giới đã tăng vọt trong ngày 10/1 khi các nhà giao dịch đồn đoán về khả năng động thái này có thể làm gián đoạn xuất khẩu dầu thô và khiến Moscow thắt chặt nguồn cung.
Tại thời điểm khoảng 14h20 GMT (21h20 cùng ngày theo giờ Hà Nội), giá dầu Brent Biển Bắc tăng hơn 4%, lên mức 80,38 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng tăng 4,8%, lên mức 77,47 USD/thùng.