Dù mỗi người một cá tính nghệ thuật, họ cho thấy một cách nhìn rất dịu dàng với cuộc sống và một sự trân trọng truyền thống nhất mực.
Hành trình “Mộc”
Từ ngày 25-12 đến 31-12, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật (29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), nhóm các họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Ngô Quang Dương, Lưu Bảo Trung, Đinh Minh Đông, Trương Văn Ngọc và khách mời Tạ Duy sẽ cùng nhau trưng bày những tác phẩm hội họa mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng hòa hợp về con người tại triển lãm “Mộc 9”.
Như thường lệ, mỗi người là một tính cách độc lập, chủ động làm việc của mình tại xưởng nhưng khi đến thời điểm triển lãm tất cả người lại quần tụ để kết nối và lan tỏa giá trị tinh thần của sự sáng tạo sau một năm âm thầm làm việc.
Theo chia sẻ của họa sĩ Trương Văn Ngọc, nhóm “Mộc” gồm các họa sĩ thuộc nhiều lứa tuổi, có người quen nhau từ đại học nhưng cũng có người là bạn vong niên, đã cùng nhau thực hiện nhiều triển lãm, workshop trước đó.
“Các họa sĩ nhóm Mộc đều là những người hòa đồng nhẹ nhàng và hiền tính. Vì biết nhau lâu nên mọi người hiểu nhau về đời sống, tính cách, con đường nghệ thuật nên rất mến nhau và cũng muốn có một triển lãm, một sân chơi thường niên với nhau” – họa sĩ Trương Văn Ngọc chia sẻ.
Để đi cùng nhau trong một triển lãm chung suốt 9 năm, ngoài điểm chung tự nhận là “đều hiền”, có thể dễ dàng nhận thấy trong sáng tác của họ một góc nhìn rất dịu dàng về cuộc sống, con người, tạo nên một tinh thần hòa hợp giữa các cá nhân. Dĩ nhiên, mỗi tác phẩm lại thể hiện một cá tính nghệ thuật – những cá tính đã làm nên tên tuổi của họ một cách độc lập trong làng hội họa hiện nay.
Đó là một Ngô Quang Dương được ví như “người vẽ những âm thanh của ánh sáng”. Đó là Lưu Bảo Trung với những tác phẩm sơn mài thâm trầm không phô trương nhưng đầy bạo liệt và quyết đoán. Độ trì, độ lỳ trong những tác phẩm lớn dài hơi cũng nói lên tính cách kiên định nghiêm cẩn trong nghệ thuật của anh. Là Nguyễn Thanh Sơn bền bỉ trong việc truyền tải hình tượng nghệ thuật dân gian theo cách mới, bằng các kỹ thuật đồ họa trên giấy dó thủ công. Là Đinh Minh Đông với những màu sắc tươi vui như biết nói. Các tác phẩm của họa sĩ luôn biểu hiện một năng lượng hứng khởi trong trẻo và đầy sức sống. Là Trương Văn Ngọc với sự trong trẻo mơ màng của màu nước trên chất liệu lụa khiến người xem có cảm giác tất cả như được thoát hóa để dần đạt đến độ tinh giản về thị giác và chất liệu.
Họa sĩ khách mời Tạ Duy theo đuổi lối vẽ thủy mặc, anh đã theo học lối vẽ này tại Trung Quốc và tiếp tục thực hành, phát triển nó tại Việt Nam. Đến với triển lãm lần này, anh không vẽ trên giấy xuyến chỉ mà thử nghiệm với giấy và màu nước hiện đại, mang đến những tác phẩm mênh mang gợi nhiều suy tưởng, mở ra một tâm cảnh tĩnh mịch của họa sĩ, một không gian của “tao nhân mặc khách”.
Thổi hơi thở đương đại cho “truyền thống”
Một điều thú vị khác dễ nhận thấy ở “Mộc 9”, đó là các họa sĩ đều thể hiện một màu sắc rất Việt Nam, một sự trân trọng nhất mực với các giá trị văn hóa, hội họa truyền thống. “Mọi người trong nhóm dù cách sáng tác khác nhau nhưng có nhiều điểm chung về tính văn hóa và truyền thống. Bởi văn hóa là tinh thần của dân tộc, văn hóa chuyên chở những tinh chất của đời sống con người” – họa sĩ Trương Văn Ngọc chia sẻ.
Xuyên suốt trong hành trình với tranh giấy dó của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn là nghệ thuật mang tính dân gian và dân tộc nhưng được nói bằng ngôn ngữ hiện đại dễ tiếp cận. Họa sĩ Lưu Bảo Trung âm thầm và kiên định trong địa hạt sơn mài truyền thống. Họa sĩ Trương Văn Ngọc đến với chất liệu lụa đầy hứng khởi, mọi thứ như được mài giũa, cọ rửa để làm mới tác phẩm và làm mới chính con người họa sĩ.
Còn họa sĩ Ngô Quang Dương, Đinh Minh Đông, Tạ Duy luôn muốn truyền đạt cảnh sắc, không khí của Việt Nam thông qua bút pháp và cái hiểu của mình.
Sự góp mặt của họ trong triển lãm này vì thế, càng cho thấy sự hòa hợp, đúng như họa sĩ Trương Văn Ngọc chia sẻ: “Các họa sĩ tuy theo đuổi con đường riêng nhưng đều có một hướng chung là nhìn về văn hóa dân tộc để thấy gốc rễ của mình. Bởi văn hóa là cội gốc, trở về với cội gốc là để chăm bón cho toàn thể tương lai lá cành”.
Diễn ra trong những ngày cuối cùng của năm 2024, “Mộc 9” là một tổng kết của nhóm họa sĩ sau một năm lao động nghệ thuật miệt mài, cũng là một món quà thị giác rất đỗi dịu dàng cho công chúng để mở ra một năm mới với những cảm xúc tươi mới, đầy hứng khởi.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/moc-9-diu-dang-ma-day-hung-khoi-688993.html