Chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở thẩm mỹ bất chấp quy định gây ra nhiều biến tướng, gây nguy hại tới sức khỏe và hệ lụy lâu dài với người dân.
Nhiều năm qua, TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều cơ sở làm đẹp nhất. Tính tới cuối tháng 8/2024, địa bàn thành phố có 37 bệnh viện thẩm mỹ; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da…).
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, do lợi nhuận cao nên việc tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ có nhiều biến tướng, gây nguy hại tới sức khỏe và nhiều hệ lụy lâu dài. |
Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 – 500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. 69% ca tai biến này liên quan thủ thuật tiêm chích; 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng; 10% do làm đẹp bằng hóa chất…
Trong các ca tai biến, có 77% bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng; 13% thực hiện tại nhà. Các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng thông thường như nổi các nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt.
Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân gốc rễ của việc làm đẹp không an toàn là do năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở không đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt; tình trạng đào tạo, dạy nghề “chui” phổ biến…
Không chỉ TP.HCM mới “nở rộ” dịch vụ thẩm mỹ, nhiều địa phương khác cũng trong cao điểm bùng nổ, mà nổi bật là Hà Nội và Đà Nẵng.
Do nhu cầu xã hội ngày một tăng, nên hầu hết các bệnh viện đều có khoa (hoặc cơ sở) làm dịch vụ này, như thể cạnh tranh với các cơ sở “chui”. Nhiều cuộc thanh tra liên ngành cho thấy thực trạng đáng báo động, đó là những cơ sở như vậy sử dụng kỹ thuật viên không qua đào tạo.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện cho hay, thời gian qua liên tục tiếp nhận người bệnh nhập viện do tai biến thẩm mỹ.
Về xử phạt các vi phạm trong thẩm mỹ, tại TP.HCM, thời gian qua đã liên tiếp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chẳng hạn, ngày 28/8, Bệnh viện Răng hàm mặt thẩm mỹ Paris bị yêu cầu ngưng ngay hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ vì không đảm bảo các điều kiện an toàn người bệnh.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt Bệnh viện Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thẩm mỹ Paris với hành vi vi phạm “Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật” và “Không thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.
Ở thời điểm kiểm tra lúc bấy giờ, một bác sỹ của Bệnh viện này cũng đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt hành vi “Lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật” với hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 2 tháng.
Thanh tra còn phát hiện một trường hợp ở Đà Nẵng đã sử dụng cả lao công để làm đẹp cho khách. Trong khi theo quy định, một bác sỹ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ phải có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất 54 tháng.
Ngày 19/6/2024, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tạm ngưng ngay mọi hoạt động phẫu thuật và thủ thuật tại Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korea Star – Sao Hàn (gọi tắt là Bệnh viện Korea Star – Sao Hàn), đồng thời cử thêm tổ công tác bao gồm các chuyên gia về an toàn phẫu thuật của ngành Y tế Thành phố đến bệnh viện này kiểm tra, đánh giá và nhận định các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn người bệnh tại bệnh viện này và báo cáo Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, sở dĩ nhiều cơ sở dịch vụ này giá rất rẻ là do nhập “hàng” trôi nổi, giá rẻ và không thể kiểm soát chất lượng rất dễ dẫn tới tai biến và hiệu quả cũng không bền.
Thực tế cho thấy, quy định về điều kiện hoạt động quá dễ dãi đã dẫn tới việc quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp khó khăn. Các cơ sở làm đẹp không phép ngày càng gia tăng hoạt động vượt tầm kiểm soát, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe của nhiều người.
Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ mang lại khoản lợi nhuận cao; nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cụ thể là cần siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Đồng thời cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cần tăng mức tiền phạt đối với các vi phạm này nhằm bảo đảm mức tiền phạt đủ sức răn đe đối với chủ thể vi phạm. Luật sư Hùng cũng cho biết, có nhiều vụ tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không làm cam kết hay hợp đồng gì, thậm chí không có phiếu thu tiền nên khi khiếu kiện, muốn được bảo vệ quyền lợi rất khó khăn.
PGS-TS.Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, để tránh những ca tử vong hay biến chứng nặng nề gây ra bởi phẫu thuật thẩm mỹ, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng – trung tâm y tế cấp quận/huyện phải có cơ chế quản lý. Theo đó, các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường/xã hoặc các tổ dân phố, ấp…) đều phải có trách nhiệm giám sát.