Powered by Techcity

Lời đáp từ trái tim và sự minh triết của thế hệ hôm nay


Huyền tích, lịch sử, tinh thần Việt, lương tri, phẩm giá và cốt cách Hà Nội… dường như đều hội tụ, phản chiếu và in dấu trong không gian hồ Gươm. Giá trị của từng thời đại hòa quyện vào cảnh quan, kiến trúc và nhịp sống thường nhật của người Hà Nội, góp phần tạo nên vị thế vô song của trái tim Thủ đô. Kỷ nguyên này sẽ để lại giá trị gì ở hồ Gươm cho mai sau? Câu hỏi ấy đòi hỏi lời đáp từ trái tim và sự minh triết của thế hệ hôm nay.

mua-rong1.jpg
Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật của Thủ đô. Ảnh: Thanh Hà

Giá trị vô song và bài học từ những chuyển mình

Sự chuyển mình kỳ vĩ của mẹ thiên nhiên đã tạo tiền đề cho sự hình thành dải không gian cảnh quan và đô thị lịch sử trên bờ hữu sông Hồng ngày nay. Hồ Gươm nằm ở vị trí trung tâm trên dải đất ấy, lặng thầm chứng kiến sự hình thành của khu phố cổ, khu phố Pháp.

Có lẽ cơ duyên đưa đến cái tên Hoàn Kiếm/ hồ Gươm từ truyền thuyết được Nguyễn Trãi chép lại tại “Nam Sơn thực lục” đã khiến Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội giữ lại “viên ngọc bích” trong lòng di sản đương đại.

Câu chuyện thiên nhiên hòa quyện với huyền thoại đã tạo nên giá trị của một Thủ đô yêu hòa bình. Đó là minh chứng cho sự hình thành văn hóa gắn liền với dòng sông Hồng, là lời nhắc về một đô thị sinh ra từ nước, một thành phố mang trong mình cả vạn hồ, ao – mà hồ Gươm là điển hình trân quý thiên nhiên của Hà Nội.

Hồ Gươm từng chứng kiến sự chuyển mình của lịch sử, khi lần đầu tiên hình thái một trung tâm mới xuất hiện trong lòng thành thị phong kiến. Vào thế kỷ XVI, phủ chúa Trịnh được thiết lập tại đây với những công trình uy nghi như lầu Ngũ Long, đình Tả Vọng, Thưởng Trì cung… Hai trung tâm là biểu hiện không gian của một thời từng tồn tại cả chúa và vua trên đất Thăng Long.

Trên bình diện đô thị, đây không chỉ là dấu mốc cho sự ra đời của một điểm nhấn mới, song hành với trung tâm chính trị Hoàng thành Thăng Long/ Ba Đình lịch sử; mà còn là trạng thái mở – giao thoa hỗn hợp, không ngăn cách giữa chốn thị dân/ Kẻ Chợ và nơi vương triều quyền quý xưa, một điều khá hiếm gặp ở văn hóa phương Đông thời phong kiến. Phải chăng đó là chỉ dấu cho những không gian công cộng trong tương lai, với hồ Gươm là nơi được chọn lựa như duyên tiền định của vùng đất địa linh?

Lựa chọn Hà Nội, người Pháp chọn hồ Gươm như một sự kế thừa và phát huy giá trị không gian đô thị Việt theo một mô hình hoàn toàn mới. Hồ Gươm như ngưng tụ và lan tỏa giá trị từ cảnh quan mặt nước với các công trình Việt nhỏ nhắn về mọi hướng. Hồ nước, cảnh quan cây xanh và đường vòng quanh tạo thành điểm nút trung tâm – không gian công cộng đặc biệt, nơi chuyển giao giữa các cấu trúc đô thị đa dạng của Thủ đô.

Hồ Gươm, cùng với những di sản hay chứng tích của người Việt như tháp Rùa, tháp Hòa Phong, quần thể cầu Thê Húc – tháp Bút – đền Ngọc Sơn, trong không gian công cộng ấy, đã làm nên tinh thần Việt trong sự tiếp xúc, va chạm và hòa quyện văn hóa Việt – Pháp trên bình diện kiến trúc.

Khu phố kiểu châu Âu hình thành xung quanh hồ không làm ảnh hưởng đến không gian hồ nước và những kiến trúc di sản Việt. Yếu tố bản địa xuất hiện đầy tinh tế trong nhiều kiến trúc Pháp. Một quảng trường nhỏ hiện thân cho thành tố đô thị phương Tây được khéo léo đặt ở nơi chuyển tiếp giữa khu phố cổ với không gian hồ Gươm của người Việt.

Một cuộc đối thoại Đông – Tây thú vị, mà ở đó quảng trường, giờ đây mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục, như làm nền và điểm ngưng tụ cho dòng chảy thị dân từ Bắc xuống Nam qua tuyến phố Đồng Xuân – Hàng Đường – Hàng Đào hướng về hồ Gươm. Đó là dòng chảy hiện thân cho sức sống mãnh liệt của người Việt qua những biến thiên lịch sử.

Thủ pháp thiết kế đô thị với những tuyến, trục, vườn hoa, quảng trường và nút giao thông, tạo nên sự kết nối giữa hồ Gươm với các công trình quan trọng ở khu vực lân cận như trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn… đều hướng về hồ Gươm, như chiêm ngưỡng và tôn vinh giá trị của Thủ đô.

Hồ Gươm từ đây trở thành trái tim tuyệt vời của Thủ đô. Ở đó có của sự đa dạng đặc biệt về chức năng, hoạt động đô thị và sự hòa hợp về kiến trúc – cảnh quan, là nơi gặp gỡ Đông – Tây mà nét tinh túy Việt sáng soi đẹp đẽ.

Theo dòng chảy đô thị hóa hối hả hơn 70 năm qua, xung quanh hồ Gươm, có những công trình đã mất đi… Đó là quy luật của sự phát triển, cái mới thay thế cái cũ! Tòa nhà UBND thành phố với kiến trúc bề thế hơn đã thay thế tòa thị chính xưa. Bách hóa Tổng hợp được thay thế bằng kiến trúc mới.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không còn chứng kiến những chuyến tàu điện leng keng sớm khuya, tỏa đi các cửa ô từ Bờ Hồ, để lại bao nỗi nhớ về một thời đã qua. Tòa nhà điều hành xe điện với hai tháp nhỏ nhắn và hàng hiên bo tròn theo đường phố, tựa trên hàng cột thanh mảnh… đã được thay thế bằng siêu thị đầu tiên của Hà Nội. Một kiến trúc lớn mà người dân gọi bằng cái tên “Hàm cá mập”…

Những mới mẻ hay mất mát đều mang đến những nỗi niềm, và bài học khó quên. Nhà phố, hay những kiến trúc phụ cận hồ Gươm nhiều kiến trúc mới dần hình thành cao hơn, đậm đặc hơn. Một thời đã qua có những giá trị đại diện cho thời kỳ ấy, nhưng phải chăng ở đó, không gian cảnh quan hồ Gươm đã trở nên thứ yếu so với nhu cầu phát triển?

Cần thiết cho sự phát triển bền vững

Hồ Gươm đã trở thành Di sản quốc gia đặc biệt và đang dần trở lại với vị thế trung tâm công cộng quan trọng bậc nhất của Thủ đô với những nỗ lực hình thành không gian đi bộ cuối tuần. Hoạt động đô thị sáng tạo đem lại hiệu quả lớn về nhiều mặt, đặc biệt về văn hóa, nghệ thuật và kinh tế. Có thể nói Thủ đô Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO… từ hồ Gươm.

Đây là động lực lớn để Thành phố nhìn về hồ Gươm với một nhận thức mới. Tuyến đường sắt đô thị ngầm với nhà ga C9 – nhân tố hiện đại xuất hiện bên bờ phía đông của hồ sẽ thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ hơn, mà không gian công cộng là giải pháp có tính tất yếu. Tầm nhìn về sự hình thành không gian công cộng dành cho nhân dân. Trái tim của Thủ đô – nơi bao chứa nhịp đập đô thị phải hướng về dân, vì dân.

Việc phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập” và tạo lập không gian xanh, quảng trường ở khu vực phía bắc, phía đông và thậm chí cả phía tây hồ Gươm là điều nên làm. Việc tháo dỡ công trình này hay một số công trình khác không phải là hành động phủ nhận quá khứ, mà là cách để trả lại sự cân bằng cho không gian công cộng – để khu vực quanh hồ Gươm được “thở” một cách tự nhiên hơn. Việc thay đổi và cải tạo đô thị là một xu hướng không chỉ là sự lựa chọn, mà đôi khi là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững.

Mở rộng một quảng trường hay tạo thêm một khoảng trống, là cách để Hà Nội tìm lại sự cân bằng trong phát triển đô thị. Giá trị của kỷ nguyên này không chỉ là nơi có những tòa nhà lớn, hiện đại, mà còn là nơi con người được kết nối với thiên nhiên, với lịch sử, với những giá trị làm nên linh hồn của nó.

Khi không gian quanh hồ Gươm trở nên khoáng đạt hơn, những di sản như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn hay cầu Thê Húc sẽ được tôn vinh hơn. Hà Nội sẽ đẹp hơn – không chỉ trong mắt du khách, mà còn trong chính cảm nhận của người dân thành phố.

Những thay đổi sẽ tạo nên một diện mạo mới cho hồ Gươm, giúp những biểu tượng của Hà Nội trở thành những điểm nhấn tự nhiên mang linh hồn của Thủ đô từ quá khứ đến đương đại. Ở đó sẽ có nhiều không gian để đi bộ hơn, những điểm dừng chân, nơi giao lưu văn hóa được thiết kế hiện đại mà khiêm nhường, hài hòa trong tổng thể – để nơi đây không chỉ là điểm tham quan, mà thực sự là trung tâm sinh hoạt cộng đồng quan trọng bậc nhất của Thủ đô.

Một hồ Gươm không chỉ đẹp về thị giác mà còn sống động – là nơi gặp gỡ, nơi kể chuyện, nơi gìn giữ giá trị lịch sử, không thể bị đóng khung trong tư duy cũ. Vị thế vô song của hồ Gươm trong thành phố của ký ức, của lịch sử và cũng là thành phố của những bước tiến sẽ mãi là trái tim văn hóa của Thủ đô, là nơi lưu giữ quá khứ và gợi mở cho tương lai. Đó là tinh thần mới, hứa hẹn những giá trị mới tô thắm thêm mảnh đất hào hoa.



Nguồn: https://hanoimoi.vn/kien-tao-khong-gian-ho-guom-tinh-than-moi-mang-den-nhung-gia-tri-moi-loi-dap-tu-trai-tim-va-su-minh-triet-cua-the-he-hom-nay-698045.html

Cùng chủ đề

Tôn vinh tinh hoa di sản ẩm thực Việt Nam

Chương trình do Trung tâm Hội nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức.Đáng chú ý, nhiều thương hiệu phở...

Quảng bá tinh hoa nghề truyền thống

Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội. ...

Ra mắt sách về họa sĩ Phạm Lực

Cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" là góc nhìn sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nhà sưu tầm nghệ thuật, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, một chính khách hiểu biết và...

Hà Nội kịp thời ban hành chính sách về phát triển nguồn nhân lực

Cùng tham gia đoàn giám sát có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội...

Khai mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội, người dân và du khách sẽ được xem nhiều trưng bày, triển lãm về làng nghề hấp dẫn như: Trưng bày...

Cùng tác giả

Tôn vinh tinh hoa di sản ẩm thực Việt Nam

Chương trình do Trung tâm Hội nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức.Đáng chú ý, nhiều thương hiệu phở...

Quảng bá tinh hoa nghề truyền thống

Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội. ...

Ra mắt sách về họa sĩ Phạm Lực

Cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" là góc nhìn sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nhà sưu tầm nghệ thuật, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, một chính khách hiểu biết và...

Hà Nội kịp thời ban hành chính sách về phát triển nguồn nhân lực

Cùng tham gia đoàn giám sát có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội...

Khai mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội, người dân và du khách sẽ được xem nhiều trưng bày, triển lãm về làng nghề hấp dẫn như: Trưng bày...

Cùng chuyên mục

Tôn vinh tinh hoa di sản ẩm thực Việt Nam

Chương trình do Trung tâm Hội nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức.Đáng chú ý, nhiều thương hiệu phở...

Quảng bá tinh hoa nghề truyền thống

Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội. ...

Ra mắt sách về họa sĩ Phạm Lực

Cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" là góc nhìn sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nhà sưu tầm nghệ thuật, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, một chính khách hiểu biết và...

Khai mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội, người dân và du khách sẽ được xem nhiều trưng bày, triển lãm về làng nghề hấp dẫn như: Trưng bày...

Công bố loạt chương trình đặc sắc kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất trên VTV

Thông tin tại cuộc họp báo ngày 18-4, tại Hà Nội, công bố chuỗi chương trình trọng điểm dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình...

Phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2025

Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội được tổ chức hằng năm là...

Lực đẩy để phát triển Thủ đô

Dự hội thảo có: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì; lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du...

Sôi động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Phố sách Hà Nội

Sáng 18-4, UBND quận Hoàn Kiếm khai mạc chuỗi sự kiện “Sách mở rộng thế giới tư duy, tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm).Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Phố sách...

“Cây cọ được Chúa cầm tay”

Gắn bó với quân đội ngay từ những ngày đầu sáng tác, ông đã dùng cây cọ của mình ghi lại những khoảnh khắc chân thực của chiến tranh, khắc họa đời sống người lính và tôn vinh vẻ...

Nóng ở cả hai đầu bảng xếp hạng

Khó lường cuộc đua vô địchSau vòng 18 V.League 2024-2025, ngôi đầu bảng xếp hạng vẫn không “đổi chủ”, cuộc đua “quyền lực” dường như bị chững lại khi cả 3 đội dẫn đầu đều không thể giành chiến...

Tin nổi bật

Tin mới nhất