PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch do lạm dụng thuốc chữa bệnh.
Theo bác sỹ Cường, tình trạng người dân lạm dụng thuốc chứa corticoid ngày càng nhiều, điển hình là những người cao tuổi mắc bệnh xơ khớp, nhưng lại tự ý mua thuốc về dùng.
Lạm dụng corticoid gây nhiều hệ lụy với sức khỏe người dùng. |
Với bệnh xương khớp, nhiều người thấy dùng thuốc tự mua uống khỏi rất nhanh, nên rất thích và uống thường xuyên. Khi vào viện đều bị suy tuyến thượng thận, tổn thương cơ xương khớp và nhiễm trùng với vi khuẩn kháng thuốc.
Theo chuyên gia, những bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện lâu, người nhà chăm sóc cả tháng, rất tốn kém.
Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân bị cúm nhưng tự điều trị hạ sốt và corticoid (Medrol 16mg/ngày). Ba ngày sau, bệnh nhân này tình trạng không cải thiện, sốt cao kèm khó thở nhiều, phải thở oxy sau đó thở máy.
Khi vào Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân này rất nặng nề, sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, X-quang phổi mờ trắng xoá 2 bên phế trường, test nhanh cúm B dương tính.
Bệnh nhân phải thở máy và lọc máu, xét nghiệm dịch phế quản có kết quả cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng. Bệnh nhân rơi vào nguy kịch rất nhanh, phải tiến hành can thiệp ECMO cấp cứu.
Sau hơn 2 tháng nằm điều trị hồi sức tích cực với 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy và oxy liều cao, nữ bệnh nhân mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Mặc dù bệnh nhân sống sót nhưng phải chịu hậu quả tổn thương lâu dài.
Theo các bác sỹ, corticoid là thuốc chống viêm nhưng có tác dụng phụ là giảm sức chống đỡ của cơ thể. Việc lạm dụng thuốc này ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm, đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.
Theo PGS-TS.Đỗ Duy Cường, ngoài tự ý dùng kháng sinh, thuốc chứa corticoid, nhiều người nhập viện do nhiễm vi khuẩn tụ cầu nhưng không biết khiến tính mạng rơi vào “thập tử nhất sinh”.
Đó là trường hợp nữ bệnh nhân 55 tuổi ở Hải Phòng, được đưa đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng sau hơn 5 tháng đi chữa nhiều nơi không khỏi.
Ban đầu, nữ bệnh nhân chỉ mọc mụn ở vùng kín, đau nhức và hơi sốt, đã đến bệnh viện ở Hà Nội trích mụn, sau đó dùng kháng sinh điều trị. Vài hôm sau, mụn lại xuất hiện cạnh vết thương cũ, sưng đỏ và sốt, chị lại đến một bệnh viện khác để thăm khám. Lần này, chị được nhập viện và phẫu thuật cắt lọc lấy hết mủ, chỉ định dùng kháng sinh.
Về nhà không bao lâu, chị lại xuất hiện mụn nhỏ tiếp theo. Cứ thế, chị đi chữa gần 5 tháng nhưng bệnh vẫn dai dẳng, làm chị suy yếu, tinh thần hoảng loạn lo mình mắc bệnh nan y.
Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân sốt cao rét run, vùng hậu môn chảy mủ, nhiễm khuẩn huyết rất nặng. Các bác sỹ đã tìm ra “thủ phạm” gây bệnh cho chị là viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, đã kháng lại các thuốc kháng sinh thông thường khiến chị đi nhiều cơ sở y tế nhưng không chữa khỏi. Các bác sỹ phải kết hợp nhiều chuyên khoa để đưa ra phác đồ điều trị với liều kháng sinh trị được tụ cầu, mới cứu được nữ bệnh nhân.
PGS-TS.Đỗ Duy Cường cho hay, ở nước ta, mua thuốc kháng sinh đã dễ, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid càng dễ hơn, đã gây ra hậu quả nặng nề.
Thuốc phải được dùng đúng chỉ định và liều lượng. Nếu dùng bừa bãi làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Vì thế, bác sỹ khuyến cáo, khi có bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế thăm khám, được bác sỹ kê đơn và uống theo chỉ định, không tự ý mua và sử dụng thuốc, hoặc mua theo đơn cũ, theo lời mách bảo của người quen, vì sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Cũng về tình trạng lạm dụng thuốc có chứa corticoid, thông tin từ Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh cho hay, cơ sở vừa tiếp nhận bệnh nhân Linh (36 tuổi, Hà Nội) với chẩn đoán đục thủy tinh thể, glocom cả hai mắt, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn do sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid kéo dài.
Theo chia sẻ, chị Linh có sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt không nhớ rõ tên, màu trắng đục khoảng gần 10 năm. Bác sỹ chẩn đoán chị Linh bị đục thủy tinh thể dưới bao sau và glocom thứ phát do dùng thuốc chứa corticoid kéo dài không đúng chỉ định.
Thời gian bắt đầu có biểu hiện nhìn mờ trùng với giai đoạn tôi mang thai và sinh con. Tôi chủ quan nghĩ do chăm con mệt nên bị nhìn mờ, không đi khám sớm, không ngờ tình trạng bệnh nghiêm trọng như vậy”, chị Linh bàng hoàng nhận kết luận từ bác sỹ.
PGS.Bùi Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Phaco và Bệnh phần trước nhãn cầu, Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh chia sẻ, đục thủy tinh thể thường gặp ở người trên 50, đặc biệt đục dưới bao sau thể thủy tinh chỉ thường xuất hiện ở những người bệnh đã từng can thiệp mổ thay thủy tinh thể nhân tạo.
Trường hợp như chị Linh khá hiếm gặp vì người bệnh trẻ tuổi, chưa từng can thiệp vùng mắt trước đó. Nguyên nhân được xác định do sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid kéo dài, khiến đục thủy tinh thể và glocom xuất hiện sớm hơn ở người trẻ.
Theo PGS.Vân Anh, các bệnh lý đục thủy tinh thể và glocom có xu hướng tăng nặng, người bệnh sẽ dần bị suy giảm thị lực và mất khả năng nhìn nếu không can thiệp điều trị.
Chị Linh cần sớm thay thủy tinh thể (phẫu thuật phaco) nhằm khôi phục thị lực và sử dụng thuốc để giảm nhãn áp, hạn chế tình trạng glocom tiến triển.
Sau ba ngày, nhãn áp của người bệnh ổn định trong ngưỡng an toàn. Chị Linh có chỉ định phẫu thuật phaco. Phaco là phẫu thuật có độ an toàn cao, bác sỹ loại bỏ thủy tinh thể tự nhiên bị đục và dùng thấu kính IOL để thay thế, từ đó phục hồi thị lực cho người bệnh. Đối với trường hợp của chị Linh có tiền sử nhãn áp cao, dây thần kinh thị lực bị tổn thương khiến phẫu thuật phaco phức tạp hơn.
Chị Linh thay thủy tinh thể lần lượt từng mắt trong hai ngày liên tiếp, mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài 7 phút. Kết quả tầm nhìn phục hồi, sáng rõ, nhãn áp giảm tuy nhiên người bệnh vẫn có chỉ định dùng thuốc và theo dõi định kỳ nhằm kiểm soát, ngăn tình trạng glocom tiến triển.
PGS.Vân Anh cho biết, nhiều người có thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch, tăng cường độ ẩm cho mắt nhưng không tìm hiểu và tra cứu thành phần của thuốc, tự ý mua thuốc không theo chỉ dẫn y khoa. Corticoid là thành phần được sử dụng nhiều trong y học hiện đại, có tác dụng giảm nhẹ nhiều triệu chứng bệnh lý.
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid có tác dụng giảm đau, chống viêm và cương tụ mạch máu nhanh chóng tuy nhiên cần sử dụng thận trọng và có chỉ định của bác sỹ. Lạm dụng thuốc gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng thị lực: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể như trường hợp của chị Linh.
Biểu hiện các bệnh lý về mắt khá mờ nhạt ở giai đoạn đầu, do đó mọi người nên khám mắt định kỳ để kiểm tra đánh giá sức khỏe của mắt, hoặc tái khám theo chỉ định của bác sỹ trong trường hợp điều trị bệnh lý mắt hoặc các bệnh lý nền ảnh hưởng tới mắt như tim mạch, tiểu đường.
Khi thấy dấu hiệu nhìn mờ, nhìn hình biến dạng cần tới kiểm tra chuyên khoa mắt để chẩn đoán và can thiệp kịp thời, PGS Vân Anh khuyên cáo.
Người dùng thuốc mắt có corticoid lưu ý thêm một số tác dụng phụ của thuốc như châm chích vùng mắt, miệng có vị lạ, sưng tấy vùng lưỡi – môi – miệng, cơ thể phát ban bất thường