Đó là nội dung được thảo luận tại tọa đàm “Phát triển chất lượng nguồn nhân lực bảo tồn phát huy, giữ gìn làng nghề truyền thống” diễn ra chiều 30-11, tại Công viên Thống Nhất, trong khuôn khổ Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2024.
Từ chuyện của Phở đến ẩm thực Hà Thành
“Phở Hà Nội” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Điều này còn mở ra cánh cửa để Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Nói về câu chuyện “Phở Hà Nội”, nhà báo Vũ Tuyết Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho rằng, không phải riêng Hà Nội mới có phở, nhưng ăn phở Hà Nội mới thấy rõ hết vị ngon. Việc “Phở Hà Nội” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực sự là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với nghệ sĩ Minh Vượng, ký ức về món phở thời thơ ấu gần như còn vẹn nguyên. Chị kể: Hồi nhỏ, phải ốm mới được ăn phở. Ngày đó chỉ là những quán phở gánh nhỏ nhưng mùi thơm ngào ngạt bay khắp cả con phố. Người Hà Nội ăn phở không biết chán, sáng ăn phở, trưa ăn phở và tối cũng có thể ăn phở…
Người Hà Nội ngày xưa ăn phở khác bây giờ. Phở gà mới ăn với chanh và không có ai ăn quất hay giấm như hiện nay. Nhưng xã hội phát triển, ẩm thực cũng vì thế có sự thay đổi đi ít nhiều. Không chỉ cách ăn mà cách thưởng thức phở và các dịch vụ đi kèm cũng đổi khác.
Bàn về vấn đề sáng tạo trong ẩm thực nhưng phải giữ được nét truyền thống, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cho rằng, ẩm thực là phản ánh xã hội, phản ánh kinh tế, phản ánh công nghệ, phản ánh thái độ sống. Người lớn tuổi chọn cửa hàng phở quen, người trẻ tuổi lại tìm cái mới mẻ, tạo xu hướng… “Phở hay các món ẩm thực khác đều đang nằm trong sự phát triển chung. Các món ăn truyền thống cần phải giữ gìn những thứ thuộc về lịch sử nhưng cũng cần phát triển phù hợp đảm bảo sự văn minh trong ăn uống, thưởng thức”, ông Nguyễn Thường Quân chia sẻ.
Phát huy di sản ẩm thực theo hướng công nghiệp hóa
Hà Nội có thế mạnh và tiềm năng về ẩm thực với rất nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng như: Xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Mễ Trì.. Ngoài phở, Hà Nội cũng có thức quà được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, đó là nghề ướp trà sen truyền thống ở Quảng An (Tây Hồ).
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ câu chuyện của phở, có thể thấy việc khai thác, phát huy giá trị ẩm thực Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, nguồn nhân lực chất lượng cao đang có những khó khăn nhất định. Không ít làng nghề, việc trao truyền nghề cho thế hệ kế cận đang có nguy cơ mai một. Tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, việc giảng dạy về ẩm thực cũng đang gặp không ít thách thức.
Theo MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải, người được đào tạo trong lĩnh vực ẩm thực trước khi qua các trường lớp chính quy cần phải là người có tình yêu với ẩm thực và có vốn văn hoá nhất định được hình thành từ gia đình. “Món ăn cần có sự truyền dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có nền móng tốt, việc đào tạo ở trường lớp mới có thể phát huy và tạo ra những đầu bếp giỏi”, MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải chia sẻ.
Để phát huy các làng nghề ẩm thực truyền thống, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, ẩm thực là văn hóa, vì thế các làng nghề cần giữ gìn truyền thống, lịch sử làm nghề nhiều đời, khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, tổ chức trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, để có thể tồn tài trong cơ chế thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, các làng nghề ẩm thực truyền thống cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, đóng gói, xây dựng nhận diện thương hiệu tốt. Bên cạnh đó, các làng nghề cần chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm, tham quan và thưởng thức.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/de-lang-nghe-am-thuc-ha-noi-thanh-noi-hut-khach-du-lich-686082.html