Ghé làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) ngày cận Tết, du khách có thể thấy các sân phơi tăm hương rực rỡ sắc màu.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km về phía Nam, làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu có lịch sử làm tăm hương truyền thống suốt hơn một thế kỷ. Ngày nay, làng nghề làm tăm hương này đã trở thành một nơi lưu giữ nét văn hoá của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Làng hương Quảng Phú Cầu, huyền Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Linh Boo
Ban đầu, người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu mưu sinh với nghề đan lát rổ rá, quạt, cót… Tương truyền, vào đầu thế kỷ 20, ông Lê Xuân Vịnh, người dân ở thôn Phú Lương Thượng, đang đi mua tre về chẻ nan thì gặp một vị thương lái mua tăm hương.
Cả hai quyết định hợp tác, người chẻ tăm bán, người thu mua. Từ đó, người dân thôn Phú Lương Thượng có thêm nghề chẻ tăm hương, truyền sang cả thôn Phú Lương Hạ – quê vợ ông Lê Xuân Vịnh. Nghề làm hương dần dần trở thành mô hình kinh doanh lan rộng ra 6 thôn trong toàn xã.
Từ đó, làm tăm hương trở thành nghề cha truyền con nối, được duy trì và phát triển đến ngày nay. Xã Quảng Phú Cầu rộng lớn đã phát triển thành một trong những làng nghề làm hương nổi bật nhất ở vùng ngoại ô thủ đô, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Người thợ se hương thủ công. Ảnh: Linh Boo
Năm 2010, ông Nguyễn Hữu Chuyển – một chủ cơ sở tăm hương thôn Phú Lương Thượng, sau nhiều lần đi thị sát tại Ấn Độ đã mạnh dạn đầu tư máy làm tăm hương và các trang thiết bị hiện đại, thay đổi phương thức sản xuất. Vốn mỗi ngày người thợ chỉ chẻ được khoảng 50 – 60kg tăm ướt, khi có máy móc thay thế sức người, sức sản xuất lên tới 2 – 3 tạ tăm khô.
Mỗi nén hương thành phẩm giữ trọn tâm huyết của người thợ. Bắt đầu từ khâu làm tăm, nhuộm chân, se hương cho đến lúc phơi khô, đóng gói, đều được người thợ thực hiện tỉ mỉ và cẩn thận. Chân hương thường được nhuộm màu hồng sen hoặc đỏ tươi, thân màu vàng.
Hương được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Ảnh: Linh Boo
Với cách làm thủ công, khi se hương, người thợ lăn chắc tay nhưng vẫn nhẹ nhàng, để bột bám đều vào que hương. Nhưng nhờ máy móc hiện đại, công đoạn này ngày nay được rút ngắn thời gian, tăng năng suất gấp nhiều lần.
Hương se xong phải phơi ở nơi cao ráo, sạch sẽ, đủ nắng đến khô, mới không bị mốc và để được lâu. Nếu vào mùa mưa dầm gió bấc, người dân phải dùng lò sấy hương đến khi đạt yêu cầu. Thời tiết nắng hanh lý tưởng để phơi hương.
Sau khi phơi, hương được xếp gọn, đóng thành những gói nhỏ vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Linh Boo
Thành phẩm hương bán ra thị trường, du khách có thể mua về làm quà. Ảnh: Linh Boo
Có nhiều loại hương được làm từ các nguyên liệu tương ứng khác nhau như: trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài, than xoan…
Nguyên liệu thảo mộc, kết hợp với bí quyết pha trộn riêng biệt và được làm tỉ mỉ trong từng công đoạn, hương của làng Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu. Nhiều sản phẩm hương vòng, hương nén… của địa phương đã được chứng nhận OCOP 3-4 sao. Nhờ vậy, sản phẩm hương và tăm hương Quảng Phú Cầu được lòng cả người tiêu dùng Hà Nội, có mặt khắp các tỉnh thành và xuất khẩu đi Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
Làng hương thu hút nhiều khách trong nước và cả quốc tế về tham quan, chụp ảnh.
Điểm chụp ảnh tăm hương ở thôn Cầu Bầu. Ảnh: Linh Boo
Những năm gần đây, người làng Quảng Phú Cầu chung tay xây dựng du lịch làng nghề, thu hút được rất nhiều du khách về tìm hiểu những giá trị văn hoá đặc sắc. Các sân phơi tăm hương rực rỡ sắc màu cũng trở thành điểm check-in hấp dẫn, thu hút các nhiếp ảnh gia, khách du lịch tìm đến chụp ảnh. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, làng hương trở thành địa điểm chụp ảnh với áo dài rất hút khách.
Linh Boo
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/lang-huong-quang-phu-cau-diem-check-in-dat-khach-mua-tet-1446080.html