Tin mới y tế ngày 19/11: Làm rõ nguyên nhân vì sao số ca mắc sởi tăng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội làm rõ nguyên nhân số ca mắc sởi trên địa bàn tiếp tục gia tăng.
Hà Nội tìm nguyên nhân dịch sởi tăng cao
Từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sởi của Hà Nội là 87 ca, tại 23 quận, huyện, không có ca tử vong.
Tính riêng trong tuần (từ ngày 9/11 đến ngày 15/11), đã ghi nhận 25 ca mắc sởi mới, trong đó 20 ca mắc chưa tiêm chủng vắc-xin phòng sởi và 5 ca mắc chưa tiêm đầy đủ vắc-xin.
Ảnh minh họa |
CDC Hà Nội nhận định số mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi mới.
CDC Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Để chủ động ngăn chặn bệnh sởi lây lan và bùng phát, từ ngày 14/10, TP triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15/11/2024.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn Thủ đô chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi – rubella (MR).
Cùng với chiến dịch tiêm vắc-xin, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới.
Cứu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
Nam bệnh nhân 76 tuổi, đi tiêu ra máu ồ ạt, bác sỹ chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa diện rộng do viêm loét manh tràng, được nội soi phun bột Hemospray giúp cầm máu nhanh.
Theo bác sỹ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nội soi phun bột Hemospray (một chất bột vô cơ) giúp cầm máu, tăng cường sự tập trung tiểu cầu và hoạt hóa các yếu tố đông máu, đẩy mạnh quá trình hình thành cục máu đông.
Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa diện rộng, không thể cầm máu theo phương pháp thông thường. “Nội soi phun bột giúp cầm máu an toàn nhất cho người bệnh lúc này”, bác sỹ Bình nói, giải thích thêm bởi không cần tiếp xúc trực tiếp với các điểm chảy máu, không gây thêm tổn thương mô, ngăn tình trạng diễn tiến nặng.
Trước đó, bệnh nhân bị viêm loét manh tràng nhưng không điều trị. Một tuần trước khi nhập viện, ông đột quỵ do biến chứng của bệnh rung nhĩ và rối loạn nhịp tim, được cấp cứu kịp thời và dùng thuốc kháng đông. Lần này ông đi tiêu ra máu ồ ạt. Thời điểm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ông bị thiếu máu nặng, tụt huyết áp, mạch đập nhanh. Bác sỹ truyền hồng cầu lắng (chế phẩm máu đã tách huyết tương để thu lại lượng hồng cầu cao), ngăn thiếu máu gây biến chứng nguy hiểm. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy viêm loét gây chảy máu diện rộng ở vùng manh tràng.
Bác sỹ Bình chẩn đoán nguyên nhân khiến bệnh nhân đi tiêu ra máu ồ ạt là do ổ viêm loét manh tràng nặng hơn khi dùng thuốc kháng đông.
Nếu không cầm máu nhanh chóng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như sốc do mất máu đột ngột, thiếu máu lên não, thiếu oxy não gây co giật, khó thở, nguy cơ tử vong.
Phương pháp cầm máu bằng bột không mới nhưng ít được thực hiện, được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt như khối u xuất huyết, xuất huyết do loét đường tiêu hóa lan tỏa, xuất huyết ồ ạt do tĩnh mạch thực quản vỡ, viêm loét chảy máu ở diện lan rộng, theo bác sỹ Bình.
Các phương pháp như chích cầm máu, kẹp clip (kẹp mạch máu), thắt vòng cao su… thường chỉ áp dụng khi chảy máu ở những điểm cụ thể, đơn độc. Thêm nữa, ông Xuân bị suy nhược và đang dùng thuốc kháng đông, nếu cắt bỏ manh tràng nguy cơ cao chảy máu, xì rò miệng nối, biến chứng nguy hiểm.
Sau khi xác định được vùng chảy máu, bác sỹ đưa một vòi phun qua ống nội soi vào lòng đại tràng và phun bột cầm máu lên vùng manh tràng đang chảy máu. Quá trình phun bột cầm máu trong 10 phút. Người bệnh hết chảy máu. Ba ngày sau, ông Xuân có thể sử dụng lại thuốc chống đông máu theo điều chỉnh của bác sỹ, tiếp tục điều trị bệnh tim mạch.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng, bạn không nên bỏ qua
Ung thư miệng nếu được phát hiện sớm sẽ có tới hơn 90% trường hợp có thể ngăn ngừa được. Dưới đây là những triệu chứng cảnh báo ung thư miệng.
Loét miệng chủ yếu là do chấn thương ở niêm mạc miệng. Ví dụ như một chiếc răng vô tình cắn vào cũng có thể gây tổn thương, nhưng tình trạng loét thường sẽ thuyên giảm sau 2 – 3 tuần. Tuy nhiên, nếu vết loét xuất hiện không rõ nguyên nhân và kéo dài vài tháng, không cải thiện thì nên xem xét và thăm khám kịp thời.
Cùng với đó, những vết loét miệng ác tính có ranh giới vết thương không rõ ràng so với những vùng khác, viền vết thương “nham nhở”. Nếu sử dụng thuốc điều trị loét miệng ác tính sẽ không mang lại hiệu quả đáng kể.
Răng lung lay không rõ nguyên nhân ở một vùng hạn chế mà không thể giải thích được bằng bệnh nha chu, chấn thương khớp cắn… Cùng với đó, hàm cũng bị sưng dẫn đến mất cân đối.
Một số bệnh nhân ung thư miệng có biểu hiện đau dữ dội không rõ nguyên nhân hoặc không thể mở miệng. Khả năng vận động của lưỡi cũng bị hạn chế, gây khó khăn trong việc nhai, nuốt hoặc nói, mất cảm giác hoặc tê một bên lưỡi.
Thay đổi giọng nói hoặc khàn giọng là triệu chứng phổ biến của cảm lạnh và cúm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhận thấy những thay đổi liên tục, đặc biệt là khó nói to hoặc rõ ràng thì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
Hạch bạch huyết sưng lên ở cổ có thể là dấu hiệu của một loạt bệnh tật. Nếu bạn nhận thấy sưng hoặc nổi cục ở cổ mãi không khỏi hoặc phát triển to hơn, điều cần thiết là phải đi khám ngay lập tức. Việc phát hiện sớm có thể tác động đáng kể đến sự thành công của việc điều trị.
Khó nhai, nuốt hoặc nói thường khiến người bệnh phải đi thăm khám bác sĩ. Bởi những vấn đề như vậy cản trở cuộc sống hàng ngày. Những người gặp phải những khó khăn dai dẳng hoặc ngày càng tăng lên với tình trạng này nên đi kiểm tra sức khỏe.
Đau tai và đau đầu dai dẳng, đặc biệt khi liên quan đến các triệu chứng ung thư miệng cũng là dấu hiệu đáng lưu ý.
Mặc dù đau tai và đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân nhưng việc chúng xuất hiện dai dẳng hoặc bất thường cần được chú ý. Nếu chúng đi kèm với các triệu chứng khác của ung thư miệng thì trước tiên bạn cần thảo luận với nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn.
Cảm giác tê bì hoặc bất thường ở vùng miệng, bao gồm cả môi và lưỡi đi kèm với sự thay đổi màu sắc có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của ung thư miệng.
Đây không phải là những thay đổi bình thường và không nên bỏ qua. Nhân viên y tế có thể giúp bạn xác định nguyên nhân và các bước cần thiết tiếp theo.