Hơn 10 năm trước Hà Nội đứng sau nhiều tỉnh, thành phố về thu hút FDI, nhưng nay, Hà Nội đã vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau TP.HCM.
Đầu tàu hút FDI của miền Bắc
Dù chiếm chỉ 1% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đã và đang đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các con số ấn tượng như chiếm 12,5% GDP, 17% tổng thu ngân sách.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong giai đoạn 15, 20 năm trước, Hà Nội đứng sau nhiều tỉnh như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… trong lĩnh vực thu hút FDI, chứ chưa nói tới TP.HCM. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài, tới tháng 8/2024, tổng vốn FDI rót vào Hà Nội đã đạt 53,6 tỷ USD, chỉ kém TP.HCM 4,5 tỷ USD.
“Chúng ta có thể thấy trong hút FDI, Hà Nội đi chậm nhưng chắc. Đến nay, thu hút FDI vào Hà Nội đã gần bằng TP.HCM”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ tại tọa đàm “Kinh tế Hà Nội – 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.
Tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức trong sáng 25/9 tại Hà Nội.
Tọa đàm “Kinh tế Hà Nội – 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”. |
Tại tọa đàm, các chuyên gia phân tích Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng trong thu hút vốn FDI, như hạ tầng phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, hệ thống đường giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển của nhà đầu tư; cộng đồng lao động trẻ, được đào tạo bài bản,…
“Các dự án dưới 100 triệu USD có thủ tục phê duyệt tương đối nhanh, đơn giản so với nhiều địa phương khác, tạo cho Hà Nội môi trường đầu tư nhanh, thông thoáng”, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá.
Trong tương lai, ông Phương đề xuất Hà Nội đi đầu phát triển các mô hình khu công nghiệp công nghệ cao văn minh, hiện đại, xanh sạch, ví dụ như khu công nghệ cao Hòa Lạc, để các nhà đầu tư có thể vào làm việc, sinh sống và sử dụng dịch vụ. Từ đó, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nói chung tới Việt Nam.
Chuyển dịch sang kinh tế xanh, bền vững
Bên cạnh vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cũng trao đổi tại hội thảo mô hình phát triển kinh tế Hà Nội trong tương lại, trong đó chú trọng đến yếu tố tăng trưởng xanh, bền vững.
Có thể thấy thời gian qua, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…trong đó thương mại, dịch vụ, du lịch là những ngành kinh tế mũi nhọn.
Kinh tế Hà Nội chuyển dịch theo hướng lấy dịch vụ, công nghiệp làm chủ đạo. |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh trong quãng thời gian từ 2010 đến 2023, với GDP ở mức 7%. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM. Ngoài ra, vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Để Hà Nội duy trì đà tăng tưởng trong tương lai, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất thủ đô cần quy hoạch theo hướng gắn kết sâu hơn nữa kinh tế đô thị với kinh tế nông thôn, phát triển du lịch gần với nông nghiệp, cải thiện hệ thống làng nghề truyền thống.
“Kể cả kinh tế đô thị lẫn nông thôn đều cần phát triển theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, hướng tới giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”, ông Phong Khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), nói rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu… nhằm đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô Hà Nội.
“Kinh tế tuần hoàn là bền vững, là xanh – sạch, môi trường sống tốt, là tuổi thọ, là sức khỏe và mức sống sẽ tốt lên cho từng người dân, người lao động Thủ đô. Hà Nội tới đây cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế – xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp… cùng tham gia để thực hiện”, ông Nguyễn Hoàng gợi ý.
Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8%; vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9,0%).
Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn: https://baodautu.vn/ha-noi-hut-von-fdi-bang-chien-luoc-cham-ma-chac-d225829.html