Ngày 22/1, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố do Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài làm Trưởng đoàn tiếp tục làm việc và kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, Lễ khai mạc Lễ hội du lịch chùa Hương năm 2025 sẽ gắn với lễ công bố Quyết định công nhận “Khu du lịch cấp Thành phố”. Với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương – điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống Việt”, lễ hội diễn ra trong 03 tháng, từ ngày 03/02/2025 đến hết ngày 01/5/2024 (tức từ ngày mồng 06 tháng Giêng đến hết ngày 04 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 03/02/2025 (tức ngày mồng 06 tháng Giêng).
Điểm nổi bật của Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội với mục tiêu hướng đến khẳng định Chùa Hương là một điểm đến du lịch, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ngoài chương trình Lễ hội có các chương trình như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương gồm: Rối cạn Tế Tiêu – Thị trấn Đại Nghĩa, Cồng chiêng người Mường – xã An Phú, Hoạt động hát Chèo tại các câu lạc bộ trên địa bàn huyện…
Theo ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, năm nay, BQL sẽ bắt đầu thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò đảm bảo thuận tiện cho du khách về tham quan lễ phật, giảm thiểu các đầu mối phát hành vé, kiểm soát vé cho du khách. Giá vé thắng cảnh và xuồng đò cũng sẽ tăng đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ du khách như: đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí…. Mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để HTX quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Huyện cũng cho biết đã xin Thành phố giá vé đặc thù cho việc trông giữ xe ô tô: 30.000 đồng với xe dưới 9 chỗ, 50.000 đồng với xe trên 9 chỗ, không tính giá theo giờ do đặc thù khi khách đến với lễ hội chùa Hương thường sẽ mất khoảng 9-10 tiếng. Điều này sẽ giảm thiểu việc gửi xe, để xe không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, huyện Mỹ Đức cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, đảm bảo công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ. Tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực thường xuyên. Bố trí các điểm y tế sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách.
Đặc biệt, trong mùa lễ hội chùa Hương năm 2025 sẽ diễn ra “Tuần lễ văn hóa – du lịch” từ ngày 11/3-18/3/2025 (tức ngày 12/2-19/2 âm lịch – Lễ Khánh đản năm 2025). Tuần lễ sẽ bao gôm các hoạt động văn hóa, văn nghệ và hội chợ thương mại du lịch với các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện và các tỉnh, huyện bạn lân cận cùng với các sản phẩm du lịch Chùa Hương như: rau sắng, củ mài, rượu mơ Hương tích… nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương thu hút du khách về tham quan. Phối hợp với nhà chùa Tùng Lâm Hương Tích tổ chức các chương trình, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật ảnh về Chùa Hương xưa và nay; Đêm thơ nguyên tiêu; đua thuyền; múa rồng, rước kiệu ngày xuân, lễ khánh đản, lễ ngũ bách danh, chương trình văn nghệ truyền thống đặc sắc; trò chơi dân gian; mua rối cạn; cồng chiêng An Phú, Chèo Đông Bình, Chèo Hồng Sơn…
Ghi nhận tại buổi kiểm tra, hiện các hộ kinh doanh dọc 2 bên đường bắt đầu chuẩn bị chỉnh trang, tu sửa hàng quán, tập kết hàng hóa chuẩn bị cho mùa lễ hội. Công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường, xây dựng các cụm, điểm pano, backdrop check-in cho du khách, tuyên truyền quảng bá giới thiệu hình ảnh về Lễ hội du lịch Chùa Hương năm 2025 vẫn đang được tiến hành thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài – Trưởng đoàn kiểm tra đã ghi nhận công tác xây dựng các kế hoạch chi tiết với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban, trạm kiểm soát, tổ liên ngành cũng như từng cá nhân trong Ban tổ chức lễ hội.
Tuy vậy, đồng chí Phạm Xuân Tài cũng đề nghị các tiểu ban cần có kế hoạch riêng, cụ thể hóa nhiệm vụ. Đặc biệt chú ý đến công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phân luồng giao thông từ xa tránh gây ùn tắc cục bộ. Việc triển khai tổ chức lễ hội cần tuân thủ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội và Thông tư 04/2023/TT-BTC thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức. Kiểm soát việc triển khai tổ chức lễ khai hội, các nghi lễ bám sát kịch bản chi tiết. Đặc biệt, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và các quy tắc ứng xử của Thành phố. Kiểm soát các cá nhân khi vào thực hiện nghi lễ về trang phục; hành vi mê tín dị đoan… tăng cường niêm yết thêm các quy tắc ứng xử nơi công cộng. Bên cạnh đó, do lượng hàng quán ở khu vực di tích khá nhiều, do đó, cần chú ý kiểm soát nguồn gốc hàng hoá, bảo quản, bày bán thực phẩm… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác vệ sinh môi trường cần đặc biệt chú ý, thực hiện tổng vệ sinh, thu gom rác thường xuyên cũng như tuyên truyền, nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường… nhằm xây dựng môi trường lễ hội an toàn, văn minh.
Bình Dương
Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/kiem-tra-cong-tac-chuan-bi-to-chuc-le-hoi-chua-huong/