Bên cạnh đó, phát triển văn hóa để bồi đắp cho phẩm chất đổi mới, sáng tạo của con người được xem là điểm nhấn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô hôm nay.
Sáng tạo để phát triển bền vững
Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025” đã bám sát Nghị quyết 33-NQ/TW và đặt ra một vấn đề thiết thực: “Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế, cụ thể là văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững”.
Có thể thấy hàng loạt mô hình kinh tế đã nỗ lực đưa giá trị văn hóa vào trung tâm phát triển của doanh nghiệp.
Kế thừa thương hiệu độc đáo “Vua dép lốp” từ gia đình với các sản phẩm dép cao su, nghệ nhân Nguyễn Tiến Cường, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn depcaosu.com bày tỏ: “Chúng tôi chú trọng đưa các yếu tố văn hóa vào sản phẩm, ví dụ như thiết kế dép lấy cảm hứng từ các hoa văn dân tộc, hoặc sử dụng các chất liệu đặc trưng của từng vùng miền, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc kết hợp các yếu tố văn hóa không chỉ làm phong phú sản phẩm mà còn mở ra thị trường mới, đặc biệt là đối với thị trường quốc tế, nơi mà người tiêu dùng ngày càng yêu thích các sản phẩm thủ công, có tính văn hóa và độc đáo”.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Cường chia sẻ thêm, bản thân anh và doanh nghiệp rất tán thành với các chính sách của Trung ương và Hà Nội về văn hóa. “Tôi đã nghe nhiều về khái niệm “công nghiệp văn hóa”, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong một thời đại mà sáng tạo và văn hóa không chỉ gắn liền với nghệ thuật mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế” – anh Cường khẳng định.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ cũng xác định rõ, Hà Nội sẽ trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Nhiều hội thảo, tọa đàm, nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn về công nghiệp văn hóa đã được tổ chức thành công, cùng với sự xuất hiện của các không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng, các mô hình sáng tạo, và nhiều ý tưởng làm giàu từ văn hóa.
Lâm Phong Studio ra đời năm 2015 với mô hình studio mở từ ý tưởng của một nhóm các nhà thiết kế trẻ ở Hà Nội. Qua gần 10 năm, mục tiêu không ngừng đưa giá trị sản phẩm thủ công, nguyên liệu truyền thống lan tỏa trong đời sống vẫn được các nghệ sĩ trẻ bền bỉ theo đuổi với những thiết kế mới, câu chuyện mới. Tiêu biểu như bộ sản phẩm con giáp mỗi dịp Tết Nguyên đán đã chuyển tải cùng lúc cả niềm tự hào chất liệu sơn mài và vốn văn hóa truyền thống nhưng lại mang hơi thở hiện đại, dí dỏm, gần gũi từ cách đặt tên đến lối tạo hình và thông điệp, như “Miu cầu”, “Đại Cát”, “Nhàn Ngưu”, “Heo may”… Các workshop của Lâm Phong cũng giúp người yêu văn hóa truyền thống, trong đó có các em nhỏ, tiếp cận các nguyên liệu và kỹ thuật sơn mài truyền thống như sử dụng sơn, vóc, vỏ trứng, vàng lá…
Theo TS Lư Thị Thanh Lê (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội), các đơn vị hoạt động văn hóa và cơ sở truyền thống tại Hà Nội đã hình thành cơ chế phối hợp tốt hơn, như các hoạt động trưng bày quà tặng thủ công mỹ nghệ ở hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, địa phương có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân giới thiệu sản phẩm, củng cố niềm tự hào của người làm nghệ thuật. Sự hỗ trợ có thể nhiều ít nhưng bước đầu tạo ra sự kết nối, khơi dậy niềm tự hào khi nghệ nhân được hiện diện, ghi nhận trong đời sống đương đại.
Thiết kế – một câu chuyện lớn của Hà Nội – Thành phố sáng tạo đã và đang được các thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện thực hóa một cách thiết thực.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam từng nhấn mạnh: “Hà Nội là thành phố tiên phong trong lĩnh vực đổi mới chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa”.
Góp sức xây dựng môi trường văn hóa
Mười năm qua, có lẽ không ở đâu nảy nở những cách thức sáng tạo khuyến khích việc đọc như ở Hà Nội. Các câu lạc bộ (CLB) đọc sách dưới nhiều hình thức đã tác động tới cả nhận thức của gia đình, bản thân trẻ em, tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời. Những phản hồi xúc động của các bạn nhỏ dự trại hè của CLB Đọc sách cùng con do TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh sáng lập là minh chứng cho việc không gian văn hóa vừa tròn 10 tuổi này đã góp phần nuôi dưỡng những hạt giống đẹp trong tâm hồn trẻ thơ. Mô hình CLB Đọc sách cùng con và các trại hè mà TS Nguyễn Thụy Anh học hỏi từ nước ngoài và áp dụng sáng tạo ở Hà Nội đã bền bỉ nâng đỡ tinh thần ham học hỏi cho trẻ – một yêu cầu quan trọng của xây dựng con người trong bối cảnh mới.
Môi trường văn hóa có nhiều nội dung như môi trường học đường, môi trường gia đình, cộng đồng, xã hội… Trên nhiều mảng nội dung, Hà Nội tiếp tục là mảnh đất nảy nở sự sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ.
Công trình Bảo tàng Đạo Mẫu (do nghệ sĩ Xuân Hinh đầu tư xây dựng tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) “gây sốt” trong cộng đồng không chỉ vì nó mang lại cho KTS thiết kế giải thưởng quốc tế, mà công trình và hệ sinh thái văn hóa của bảo tàng còn góp phần làm giàu cho thành phố ngàn năm tuổi. Trong một cuộc trò chuyện tại bảo tàng, lượng khán giả đến dự và bày tỏ ý kiến đa dạng, sôi nổi cho thấy rõ sức hút của sáng tạo và văn hóa trong đời sống đương đại. Vườn vải tuổi đời gần 50 năm – bối cảnh tôn vinh công trình được giữ nguyên; đặc tính “không tĩnh”, tính thiêng, chất liệu ngói thân thuộc với người Việt…, theo lý giải của các kiến trúc sư toát lên một sự thấu hiểu với văn hóa truyền thống và khả năng chuyển tải nó vào đời sống, để nó tiếp tục lan tỏa tới nhiều đối tượng thụ hưởng.
Ở một khía cạnh khác, các KTS, chuyên gia của doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) suốt 10 năm qua kể từ khi thành lập đã từng bước hiện thực hóa hàng loạt sân chơi thân thiện trong phố ở Hà Nội. Mỗi sân chơi không chỉ tạo cơ hội cho hàng chục nghìn lượt trẻ em vui sống để phát triển lành mạnh mà thực sự còn là điểm kết nối gia đình, cộng đồng, địa phương trong nỗ lực làm tất cả những gì tốt nhất cho trẻ.
Sự nỗ lực của mỗi cá nhân góp lại sẽ tạo nên một dòng chảy, một chuyển động bồi đắp cho môi trường văn hóa, cổ vũ sáng tạo – yếu tố quan trọng của kinh tế tri thức, nhằm phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đây, mở ra một câu chuyện quan trọng là muốn phát triển kinh tế trên nền tảng tri thức và văn hóa thì các chủ thể sáng tạo, các không gian sáng tạo, các cơ sở khởi nghiệp văn hóa… phải lựa chọn mô hình, hướng đi nào nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của mình?
(Còn tiếp)
Nguồn: https://hanoimoi.vn/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-33-nq-tw-hien-thuc-sinh-dong-nhin-tu-ha-noi-bai-3-khi-con-nguoi-la-chu-the-sang-tao-685356.html